Vợ chồng khắc khẩu, liệu có hạnh phúc?

Cập nhật, 21:28, Thứ Năm, 04/04/2024 (GMT+7)
 Có duyên thành vợ chồng thì đừng suốt ngày nhìn nhau khó chịu, mà hãy cùng nhau nhìn về một hướng.Ảnh minh họa
Có duyên thành vợ chồng thì đừng suốt ngày nhìn nhau khó chịu, mà hãy cùng nhau nhìn về một hướng.Ảnh minh họa
Vợ chồng cãi nhau ít thì vui, cãi nhau nhiều quá thành ra hết vui. Khắc khẩu là một trong những nguyên nhân dẫn đến ly hôn. 
 
Chị M.B. chia sẻ: “Khi chuẩn bị cưới, đi coi tuổi thầy nói hai chúng tôi khắc khẩu dữ lắm phải nhường nhịn nhau thì mới sống được. Không mấy quan tâm vấn đề này nhưng khi cưới nhau về sống chung không bao lâu, chúng tôi mới thấm thía thế nào là mất hạnh phúc. Hầu như là tư tưởng và lý lẽ cả hai hoàn toàn trái ngược không hợp nhau. Nói chuyện chưa được 3 câu đã chỏi nhau và đấu khẩu. Nhiều khi đi làm về mệt cũng muốn nói chuyện nhẹ nhàng vui vẻ với chồng mà chỉ được chút thôi là “lạc tông”, mất vui liền. Thời gian yêu nhau 2 năm chắc có lẽ chưa đủ để nhìn nhận rõ, vả lại đang yêu thì cả hai cũng còn e ngại chưa bộc lộ nhiều bản tánh của mình. Chỉ mới mấy năm ngắn ngủi nhưng hai chúng tôi bên nhau không còn cảm giác gì ngọt ngào lãng mạn, không hứng thú gì tâm sự trò chuyện với nhau. Tôi rất buồn và chán nản, chúng tôi vẫn chưa có con cái nên tôi suy nghĩ rất nhiều về cuộc hôn nhân này, xem có cố gắng để tiếp tục sống bên nhau hay là nên dừng lại”. 
 
Khi yêu nhau cũng có mâu thuẫn, cãi vã nhưng cặp đôi của chị K.D. coi đó như hương vị tình yêu. Họ không lường trước được những ngột ngạt, mất hòa thuận một cách nghiêm trọng khi về chung nhà. Hai vợ chồng khắc khẩu đến nổi vô mâm cơm cũng cãi, thỉnh thoảng chở nhau đi dạo phố cũng cãi rồi quay về nhà mạnh ai nấy chiến tranh lạnh. Tuy nhiên thời gian sau này không khí gia đình họ đã có cải thiện rất nhiều. Theo chị K.D. chia sẻ thì, họ đã có con với nhau, ly hôn, đổ vỡ chỉ khổ cho con, nên chị bàn với chồng phải cố gắng thay đổi, nhường nhịn nhau mà sống.
 
“Là vợ, là phụ nữ thôi thì tôi đành nhẫn nhịn một chút. Chuyện gì cần nói thì nói, vấn đề nào trái quan điểm thì không trao đổi, tập trung vào chuyện con cái, sinh hoạt mỗi ngày thôi. Chuyện gì không cùng ý kiến thì nhẹ nhàng bàn để đưa ra quyết định. Mỗi khi ai có dấu hiệu nóng giận thì người kia phải hạ nhiệt. Cứ thế dần dần anh cũng bớt căng thẳng nóng nảy. Vợ chồng tôi dần bớt cãi vã, trao đổi mọi chuyện một cách nhẹ nhàng hơn, hạnh phúc đã trở lại”- chị K.D. cười nói.
 
Cãi vã đôi khi là một gia vị của hôn nhân, khiến cả hai thấu hiểu, học cách dung hòa với nhau hơn. Tuy nhiên, nếu thường xuyên mâu thuẫn, tranh cãi thì lại khiến hôn nhân trở nên ngột ngạt, bế tắc, có thể dẫn đến những hệ lụy đáng buồn.
 
Mỗi người sinh ra trong một môi trường khác nhau, được giáo dục khác nhau, có những trải nghiệm quá khứ và tư duy góc nhìn khác nhau. Không nên khăng khăng cho rằng quan điểm mình luôn đúng, đối phương là sai.
 
Có những quan điểm sống và thói quen của một người là khó thay đổi, có những điều phù hợp với mình, lại có những điều khiến mình “chướng tai gai mắt”, tuy vậy mình cũng không thể cho là mình đúng và buộc đối phương phải thay đổi, mà chỉ có thể hóa giải nó cho phù hợp, chấp nhận được với nhau.
 
Hãy đứng ở vị trí của nhau để nhìn nhận mọi vấn đề khách quan nhất, rồi cùng giải quyết vấn đề thay vì cãi vã. Không có bất kỳ ai là hoàn hảo, ai cũng có ưu khuyết điểm, đã yêu thương nhau thì hãy chấp nhận điều đó, học cách yêu luôn cả những điểm chưa hoàn hảo ở “nửa kia”.
 
Đã có duyên thành vợ chồng thì đừng tối ngày quay vào nhìn nhau để soi mói khuyết điểm của người kia. Hãy cảm thông và bao dung với nhau, cùng nhau nhìn về một hướng đó mới là hạnh phúc. Hãy yêu thương và dành sự quan tâm cho bạn đời theo cái cách mà họ muốn và cần chứ không phải theo cách mà bạn muốn.
 
Tôn trọng và lắng nghe là điều cực kỳ quan trọng trong hôn nhân. Lắng nghe là chìa khóa để hóa giải mâu thuẫn. Nếu chúng ta chỉ có một chiều nói để phát đi thông điệp của bản thân mà không có chiều lắng nghe để nhận thông điệp từ người khác, mối quan hệ sẽ không thể bền vững được.
 
Bởi vậy, dù có không đồng tình với những lý lẽ của bạn đời thì cũng hãy lắng nghe bằng thái độ tôn trọng để họ được giãi bày hết suy nghĩ của bản thân. Không nên ngay lập tức hạ bệ, xúc phạm đối phương. Khi yêu nhau thật lòng thì sự đúng sai không quan trọng bằng hạnh phúc.
 
Có nhiều cặp vợ chồng vì quá khắc khẩu đã trở nên ít trao đổi, ít nói chuyện với nhau vì muốn êm nhà êm cửa. Tuy nhiên, cuộc sống hôn nhân sẽ thật tẻ nhạt nếu chúng ta không bao giờ nói gì với nhau, không bao giờ tranh luận gì, mỗi người theo đuổi những mối bận tâm riêng của mình, rồi dần xa nhau. Những cuộc tranh cãi sẽ là thứ gia vị tuyệt vời của hôn nhân nếu cả hai biết điểm dừng đúng lúc. Đừng để những cuộc tranh cãi nảy lửa dẫn đến bạo lực thậm chí là xa nhau.
 
Theo chuyên gia tâm lý tình yêu hôn nhân gia đình thì việc mâu thuẫn trong đời sống vợ chồng là điều khó tránh khỏi. Không ít cặp đôi dù khắc khẩu, mở miệng ra là cãi nhau nhưng trong lòng rất yêu nhau. Nếu việc cãi nhau mà có thể nhận ra quan điểm sống mỗi người, biết cách dung hòa nó là một việc rất tốt.
 
Bí quyết để có hạnh phúc, nhất là vợ chồng khắc khẩu là cần đặt mình vào vị trí của nửa kia. Việc suy nghĩ trên lập trường của người khác sẽ khiến chúng ta dễ nhìn nhận vấn đề hơn, có cái nhìn khách quan hơn. Qua đó sự thấu hiểu và cảm thông sẽ được hình thành trong mối quan hệ.
Bài, ảnh: LAM NGỌC