Hạnh phúc bên người chồng "đảm đang"

Cập nhật, 22:01, Thứ Năm, 28/03/2024 (GMT+7)
Hạnh phúc là luôn đồng hành, tôn trọng và yêu thương chân thành. Ảnh minh họa
Hạnh phúc là luôn đồng hành, tôn trọng và yêu thương chân thành. Ảnh minh họa
Nhiều người cho rằng đàn ông chỉ làm chuyện lớn, lo phát triển sự nghiệp ngoài xã hội, nếu đàn ông mà ở nhà “nội trợ” thì sớm muộn cũng đổ vỡ. Tuy nhiên cũng có không ít phụ nữ đang cảm thấy hạnh phúc mỹ mãn bên những anh chồng “đảm đang” này.
 
Chị N.T. (32 tuổi) đang “ăn nên làm ra” với tiệm thẩm mỹ làm đẹp. Vì khéo tay lại tỉ mỉ, kỹ lưỡng nên các mối khách quen đến làm đẹp ngày càng đông. Mỗi ngày chị làm suốt từ sáng đến tối mịt, bỏ bữa là thường xuyên.
 
Chồng chị thì có nghề buôn bán xe cũ trên mạng, công việc thì không mấy thuận lợi như vợ. Thế là anh quyết định ngưng việc mình lại dành hết thời gian lo cho gia đình để vợ an tâm làm tốt việc yêu thích của vợ. Hàng ngày anh đi chợ nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, đưa rước con đi học, mang cơm ra cho vợ, sau đó thì ở suốt ngoài tiệm phụ vợ những việc cần. 
 
Mỗi ngày, những khách hàng quen nơi đây đều nhận thấy được sự quan tâm chăm sóc của anh dành cho vợ. Hai vợ chồng nói chuyện xưng hô ngọt ngào tình tứ khiến ai cũng mỉm cười ngưỡng mộ.
 
Vì thực chất anh là một người đàn ông đẹp trai phong độ, lịch sự trong khi chị nhan sắc cũng bình thường. Thế mà anh lại tình nguyện làm hậu phương vững chắc cho chị, dành thời gian trong ngày để thay chị lo việc bếp núc, dinh dưỡng cho cả gia đình. Những lúc rảnh rỗi thì anh làm thêm lại nghề cũ.
 
Chị N.T. chia sẻ: “Nhiều người không hiểu nói tôi làm cho cực khổ để nuôi chồng. Tôi đều bỏ ngoài tai. Với tôi, chồng tôi không phải người đàn ông thiếu bản lĩnh. Anh ấy đã làm rất nhiều việc cho tôi, đã hy sinh nhiều thứ cho tôi. Mọi thứ tôi có được ngày nay đều nhờ anh hỗ trợ. Tôi tôn trọng anh ấy, mọi chuyện tôi đều hỏi ý kiến anh rồi mới làm. Mặc kệ ai có nói gì, vợ chồng tôi hòa thuận hạnh phúc là được”.
 
Thật vậy, khách hàng nơi đây đều có cảm tình tốt với anh chồng yêu chiều chăm sóc vợ chu đáo như anh. Từng câu quan tâm thăm nom ngọt ngào “em ơi em à” của anh như tạo nguồn năng lượng tích cực cho vợ và lan tỏa niềm tin yêu vào cuộc sống cho mọi người xung quanh.
 
Ngày nay khi xã hội ngày càng phát triển, vai trò của người vợ, người chồng trong gia đình đang dần thay đổi rõ rệt so với quan niệm truyền thống. Phụ nữ cũng tham gia nhiều vai trò ngoài xã hội, sự phân công lao động đang dần bình đẳng, thì chuyện đàn ông ở nhà làm nội trợ đã không còn là chuyện cá biệt.
 
Phụ nữ cũng có thể kiếm tiền giỏi, giải quyết những việc lớn lao, ngược lại, đàn ông hoàn toàn có thể làm tốt việc hậu phương, lo việc nội trợ thay vợ. Xu hướng đàn ông ở nhà làm nội trợ ngày càng phổ biến hơn ở các nước phương Tây.
 
Theo chuyên gia tâm lý, theo quan niệm từ thời xưa, đàn ông phải là trụ cột gia đình, “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, đàn ông có trách nhiệm lo kinh tế, phụ nữ đảm nhận công việc bếp núc, chăm lo cho chồng con. Vì vậy, khi đàn ông ở nhà làm nội trợ để vợ đảm nhận tài chính nhiều khả năng sẽ đối mặt với không ít áp lực, đặc biệt là sự đánh giá từ người khác.
 
Nhưng, mỗi gia đình đều có hoàn cảnh khác nhau, người ngoài đừng nhìn vào để phán xét. Mỗi người đều có khả năng của mình, nếu vợ hoặc chồng ai có thể kiếm tiền tốt hơn thì người đó ra ngoài lo tài chính, người còn lại lui về gia đình.
 
Sự đóng góp và giá trị của công việc nội trợ cần được ghi nhận như những công việc khác. Người chồng sẵn sàng dành thời gian để chăm con, bếp núc cho thấy thái độ coi trọng gia đình, dẹp đi cái tôi và đem lại niềm vui, hạnh phúc cho một nửa của mình.
 
Thực tế, công việc nội trợ là vô cùng vất vả và cần sự sắp xếp khoa học để làm nhanh gọn, hiệu quả. Làm nội trợ vẫn là đang lao động, đang đóng góp cho xã hội, vì gia đình chính là tế bào của xã hội. Vì thế người nội trợ bất kể là nam hay nữ đều phải được tôn trọng, đánh giá cao.
 
Mặt khác, người vợ đừng quá phụ thuộc vào lời nói của người ngoài mà hãy tự xây dựng hạnh phúc cho gia đình mình. Người đàn ông chấp nhận lui về hậu phương không có nghĩa là bất tài, vô dụng, vợ con họ không có gì phải xấu hổ. Việc nội trợ cũng không kém quan trọng so với việc kiếm tiền. Bên cạnh, người đàn ông nội trợ vẫn nên giữ cho mình những mối quan hệ xã hội, tham gia các hoạt động để vừa duy trì, trau dồi khả năng của bản thân vừa giữ sự tự tin.
 
Tại sao khi xã hội đã phát triển, nam nữ dần tiến tới bình đẳng về mọi phương diện thì chúng ta vẫn mặc định đàn ông sinh ra là để đi làm, đàn bà dù có tài giỏi hay có thu nhập cao hơn vẫn phải lo quán xuyến việc nhà, không để chồng phải vào bếp. Gia đình chỉ hạnh phúc khi có sự đồng cảm, sẻ chia đến từ hai phía.
 
Tóm lại, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi người mỗi quan điểm khác nhau. Ai làm chủ kinh tế cũng được, ai làm nội trợ cũng được, miễn người trong cuộc cảm thấy hạnh phúc là được.
Bài, ảnh: LAM NGỌC