Ý kiến người tiêu dùng

Khi gian thương "mặc áo" cho cua biển

Cập nhật, 13:49, Thứ Năm, 11/08/2022 (GMT+7)

 

(VLO) Vừa rồi tôi được người bạn tặng 3kg cua gạch rất ngon. Tuy nhiên, điều mà tôi và ngay cả người bạn đều lắc đầu là việc người bán đã “mặc áo” cho cua, tức buộc dây lên mình cua. Khi tôi tháo dây ra cân thử thì trong 3kg cua ấy, số dây đã gần 700g. Họ “khéo” đến mức luồn dây nhiều vòng quanh mình cua rất… đẹp mắt.

Thật ra câu chuyện con cua bị buộc dây to đã được báo chí phản ánh từ lâu, nhưng tôi không ngờ rằng sợi dây buộc nó nặng đến thế. Bởi từ trước đến nay, tôi chỉ mua cua biển buộc dây thun hoặc dây nhựa mỏng ở cửa hàng hải sản.

Còn cua gạch mà bạn tôi mua 500.000 đ/kg, tính ra 3kg cua cột 700g dây nhựa, người bán đã lời đến 350.000đ (?!). Cách bán buôn kiểu này khiến cho người nhà tôi hài hước nói “mua sợi dây được khuyến mãi con cua biển to”.

Ba mẹ tôi bảo rằng, trước đây, làm gì có chuyện bán cua biển kiểu này. Người ta buộc cua bằng dây dừa nước, dây chuối, dây thun, vừa nhỏ gọn lại chắc chắn. Nhưng không biết từ khi nào tiểu thương lại nghĩ ra mánh khóe này để móc túi người tiêu dùng.

Lúc đầu thì vài người, nhưng giờ đây thì đã trở nên “phong trào” (chỉ có siêu thị và các cửa hàng hải sản thì buộc cua đàng hoàng). Dù không phải là tất cả, nhưng với số gian thương áp đảo đã làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh cua biển.

Một người bán cua biển chống chế rằng lỗi một phần là do người tiêu dùng. Cua biển vốn dĩ đắt tiền, nhưng người ta lại muốn rẻ, cứ kỳ kèo trả giá rất thấp nên gian thương đã nghĩ đến hình thức mánh mung này nhằm “bù trừ”. Từ đó đã tạo ra việc kinh doanh thiếu lành mạnh.

Dây buộc cua đã nặng, nhưng người bán chưa buông tha, còn ngâm bùn nhão, nhúng nước cho nặng thêm rồi luồn dây quanh mình cua nhiều vòng... Đã vậy còn mọc ra một bộ phận thương lái “buộc cua chuyên nghiệp” để giao qua trung gian, kiếm lời phần dây buộc.

Thậm chí họ chấp nhận bán ra rẻ hơn so với lúc thu mua, nhưng vẫn lời phần dây buộc (khoảng 10.000- 15.000 đồng/con).

Để xóa bỏ hình thức bán cua buộc dây to kiểu này thì phải hội đủ 2 yếu tố: giữa bên bán và bên mua. Người bán không nên dùng những tiểu xảo kiểu gian thương làm xấu đi hình ảnh kinh doanh, ảnh hưởng đến thị trường, gây tai tiếng trong mắt khách du lịch quốc tế. Bởi không có nơi nào trên thế giới mà buộc con cua bằng sợi dây to nặng như thế.

Người mua cần hiểu rằng cua biển rất đắt tiền, đừng trả giá quá thấp để người bán nghĩ ra chiêu buộc cua dây to. Biết rằng thuận mua vừa bán, nhưng càng đòi hỏi thái quá thì gian thương tìm mọi cách để “chiều lòng khách hàng” theo kiểu tiêu cực. Cuối cùng thiệt thòi nhất vẫn là người tiêu dùng.

Trước mắt, người tiêu dùng cần tẩy chay để chấm dứt việc “cua biển mặc áo giáp”.

NGUYỄN HOÀNG DUY