Dạy trẻ làm người tử tế

Cập nhật, 05:53, Thứ Sáu, 29/07/2022 (GMT+7)

(VLO) Quán ăn hôm ấy rất đông người, ngột ngạt khó thở. Nhưng do nơi đây chế biến hợp khẩu vị, vệ sinh nên tôi không ngần ngại đợi tới lượt mình được phục vụ.

Thấy bàn chật chội, đứa bé ngồi cạnh nhích ghế qua bên trái để nhường cho tôi ngồi đủ chỗ. Khi tôi vừa nói “Cảm ơn cháu” dứt câu thì nó đã kéo ống đũa kèm dĩa chanh ớt sang cho tôi (do thấy tôi không với tới).

Nhìn nụ cười thân thiện và cách cư xử tử tế với người khác của thằng bé, tôi đoán cháu được gia đình giáo dục rất tốt ngay từ nhỏ.

Những đứa trẻ có cung cách tử tế như thế dường như dần ít đi trong xã hội ngày nay. Khi mà phụ huynh bị chi phối bởi cơm- áo- gạo- tiền nên có phần nào lơi là trong cách chăm sóc, dạy dỗ con cái.

Cũng có mẹ cha giàu có, thừa thời gian giáo dục con cái, nhưng do chạy theo lối sống mới, phóng khoáng trong việc dạy con nên buông lỏng cho trẻ muốn làm gì thì làm.

Có nhiều em dù học khá giỏi nhưng chưa ngoan, chưa khiêm tốn, chưa ứng xử chỉn chu, ít “đi thưa về trình”, ít nói chuyện “vâng, dạ” mà cứ “gì, ừ” với người lớn tuổi như ngang hàng phải lứa. Điều đó hết sức nguy hiểm. Như chúng ta thấy, xã hội bây giờ xô bồ và “lạ kỳ” lắm.

Đi ra đường chỉ lỡ va quẹt xe nhau, cái liếc mắt nhau, câu nói không vừa lòng nhau... đã muốn gây sự, đánh nhau. Có nhiều vụ việc dẫn đến những cái chết thương tâm chỉ vì những nguyên nhân lảng xẹt. Họ hung hăng chỉ bởi những việc nhỏ nhặt, thay gì nhẫn nhịn cho qua.

Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela đã từng nói “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất để chúng ta thay đổi thế giới”. Điều đó cho thấy sức mạnh của giáo dục quan trọng như thế nào: Giáo dục là quốc sách! Có được một nền giáo dục chuẩn mực, tốt đẹp chẳng những giúp cho đất nước có nền kinh tế, chính trị, văn hóa ổn định mà ngay cả giá trị con người cũng tử tế, xã hội văn minh. Nếu con cái được cha mẹ, thầy cô giáo dục tận tình, chuẩn mực ngay từ nhỏ thì chắc hẳn lớn lên trẻ sẽ trở thành một công dân tốt.

ĐẶNG TRUNG THÀNH