Hãy chia sẻ để không lãng phí sách giáo khoa, giáo trình

Cập nhật, 07:34, Thứ Sáu, 05/08/2022 (GMT+7)

Chuyện sách giáo khoa (SGK) chưa bao giờ hết nóng vì sự thay đổi “xoành xoạch”, vì giá cả, vì chuyện đủ- thiếu,… Cùng với đó là “bài toán” làm sao để sử dụng SGK không lãng phí. Tôi là phụ huynh có con chuẩn bị vào học lớp 3- tức là khối lớp luôn luôn được học SGK mới trong suốt các năm tiểu học. Giá SGK cao hơn so với chương trình trước có thể dễ hiểu, vì số lượng và chất lượng cũng có tăng lên. Nhưng theo tôi, giá trị một bộ SGK - một công trình khoa học- có giá trị hay không còn tùy vào thời gian, số người được sử dụng nó nữa!

Do vậy khi trường học con tôi thông báo xin SGK cũ ngay sau khi kết thúc năm học vừa qua, tôi rất tán đồng và sẵn sàng ủng hộ SGK. Vì là khối tiên phong cho chương trình giáo dục phổ thông 2018, con tôi luôn mua SGK mới nhưng các khối lớp 1- 2 tiếp theo học ở cùng trường con tôi có thể sử dụng SGK cũ mà anh chị trước cho. Không phải gia đình ai cũng có đủ điều kiện để mua SGK cho con và một bộ SGK mới, đủ bộ và sách phụ trợ khoảng 500.000đ, là con số không nhỏ. Trong khi tôi và nhiều anh chị phụ huynh khác mua tận 2 bộ/năm học cho con, vì một bộ bé để ở trường, 1 bộ để ở nhà.

Dù thầy cô không bắt buộc mua vở bài tập, nhưng đối với học sinh tiểu học, vở bài tập tạo thuận lợi cho các em rất nhiều vì trực tiếp viết vào và các em cũng không viết vẽ vào SGK. Tôi cũng dạy con không viết vẽ bậy, xé sách để cho sách sạch đẹp. Nhờ vậy, bộ SGK của con tôi khá mới và sẵn sàng cho vài năm học nữa. Tôi nhớ đến những năm phổ thông, nhà có 3 chị em, tôi là con út luôn luôn học SGK cũ của các chị để lại. Quan trọng là kiến thức trong sách, không quan trọng hình thức mới cũ!

Lại nghĩ về các bạn sinh viên, mỗi khi tốt nghiệp thì để lại không ít giáo trình, sách tham khảo. Một số bạn dùng tài liệu đó để nghiên cứu sau này khi học lên cao học nhưng cũng nhiều bạn không dùng tới nữa. Những quyển giáo trình, sách dày cộm có giá vài trăm ngàn đồng lúc mới mua khi bán giấy vụn chỉ có vài ngàn đồng! Thật sự lãng phí! Nếu được chia sẻ cho đàn em các khóa sau, chắc nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sẽ vui mừng lắm.

Thiết nghĩ, nếu các trường phổ thông, ĐH có thể làm đầu mối để gom góp và phân phối sách theo kiểu “ai dư thì cho, ai cần thì nhận” như những “gian hàng 0 đồng” thật tốt biết bao. Giá trị của sách sẽ được nâng lên và nhiều gia đình nhờ vậy mà tiết kiệm chi phí hơn.

VĨNH PHÚC