Văn hóa giao thông...

Cập nhật, 11:06, Thứ Ba, 19/07/2022 (GMT+7)

Một buổi sáng, trong cơn mưa dầm của những ngày có bão, người khoác áo mưa đến sở làm, người tranh thủ gọi con sớm hơn một chút để không trễ giờ đến trường. Dưới mưa, đa phần người tham gia giao thông di chuyển thận trọng, chậm rãi. Tuy nhiên, mật độ giao thông đông cộng với trời đang mưa, mặt đường trơn trợt nên đã có va chạm đáng tiếc xảy ra.

Xe của anh trai và chị gái chạy phía trước cùng ngã nhào. Vì cả hai đang đi với tốc độ chậm nên hậu quả không đến nỗi quá nghiêm trọng. Chị gái xay xát nhẹ ở chân còn anh trai thì “một phen hú vía”. Anh trai nhanh nhảu đỡ chị gái đứng lên, đưa vào lề. Sau đó, anh nhanh lẹ dắt hai xe lên vỉa hè rồi cùng thương lượng giải quyết vấn đề. Tai nạn giao thông là điều không ai mong muốn nhưng bình tĩnh, nhường nhịn và “dĩ hòa vi quý” sẽ khiến những sự việc đáng tiếc khác không tiếp tục xảy ra.

Nói như vậy là vì tôi đã từng chứng kiến cũng một tai nạn giao thông không quá nghiêm trọng nhưng liền sau va chạm là nạn nhân lớn tiếng cãi vã nhau. Người cho rằng mình đúng, người chẳng chịu mình sai. Đôi co qua lại dẫn đến lao vào đánh nhau. Người đi đường dừng lại can ngăn. Người hiếu kỳ dừng lại xem. Trong khi xe lớn di chuyển đến không qua được. Giao thông ùn tắc.

Trên thực tế, việc ẩu đả do xảy ra va chạm giao thông không phải hiếm. Nhiều trường hợp, dù chưa phân tích rõ nguyên nhân đúng, sai đã lao vào xô xát. Nhiều vụ việc vì vậy mà dẫn đến các hành vi phạm pháp hình sự, như: cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản…

Do đó, nếu chẳng may xảy ra va chạm, tai nạn giao thông, các chủ phương tiện trước hết cần giữ bình tĩnh. Nếu không thể thương lượng để giải quyết vấn đề một cách “nhẹ nhàng” thì có thể nhờ sự can thiệp của cơ quan chức năng. Tránh gây gổ để rồi dẫn đến ẩu đả, mà hậu quả đôi khi còn đáng tiếc hơn cả vụ va chạm gây ra.

NHƯ Ý