Giá trị thương hiệu

Cập nhật, 10:42, Thứ Sáu, 22/04/2016 (GMT+7)

Từ năm 2008, ngày 20/4 hàng năm đã trở thành ngày Thương hiệu Việt Nam nhằm tôn vinh doanh nghiệp, quảng bá thương hiệu và hình ảnh Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

Biểu trưng thương hiệu quốc gia có tựa đề “Giá trị Việt Nam” (Vietnam Value) đã được trao cho nhiều sản phẩm. Nhưng để những thương hiệu đó trở thành niềm tự hào quốc gia, được thế giới biết đến, tạo lợi thế cạnh tranh khi vươn ra thị trường quốc tế thì vẫn còn nhiều việc phải làm.

Ngành nông sản Việt Nam được biết đến bởi nhiều sản phẩm có chất lượng cao như: vú sữa Lò Rèn, bưởi Năm Roi, vải thiều Thanh Hà, Lục Ngạn, nhãn lồng Hưng Yên,… Tuy nhiên những thương hiệu nổi tiếng và được vinh danh như trên hiện vẫn rất ít, trong khi chúng ta có nhiều các sản phẩm tiềm năng.

Việc không xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đã khiến trong thời gian dài các sản phẩm nông sản trong nước chỉ biết đi theo hướng xuất khẩu nguyên liệu thô với lợi ích kinh tế mang lại rất thấp. Ngược lại, cũng từ nguyên liệu thô đó sau khi nhập sang nước khác được chế biến bán lại với giá thành cao.

Điển hình nhất phải nhắc đến sản phẩm cà phê, nếu như 1kg cà phê nhân Việt Nam có giá khoảng 2 USD tương đương với giá trung bình của 1 ly cà phê ở nước ngoài, sau khi qua chế biến, các nước có thể bán ra cao gấp… 100 lần.

Điều đó cho thấy, hướng đi của thị trường nông sản Việt lúc này chính là việc phát triển những thương hiệu nông sản có chất lượng cao, bền vững, đảm bảo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Muốn vậy, điều cần thiết phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa người nông dân, chính quyền và doanh nghiệp trong việc hỗ trợ các chính sách, vốn đầu tư và khoa học công nghệ. Có như vậy thị trường nông sản Việt Nam mới có đầy đủ thực lực để vươn đến các nước trên thế giới và đứng vững với thương hiệu của mình.

HOÀNG HÀ