Giữ lời hứa!

Cập nhật, 10:02, Thứ Ba, 19/04/2016 (GMT+7)

Cuối tuần này, danh sách chính thức người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV sẽ được công bố, người ứng cử sẽ tiến hành vận động bầu cử.

Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp vừa được Quốc hội thông qua quy định 2 và chỉ 2 hình thức vận động bầu cử là tiếp xúc cử tri nơi ứng cử và vận động thông qua trình bày chương trình hành động trên báo chí, các phương tiện truyền thông đại chúng.

Chương trình hành động của ứng cử viên là những công việc mà ứng cử viên hứa sẽ làm nếu được cử tri bầu làm ĐBQH hay đại biểu HĐND.

Mỗi ứng cử viên sẽ trình bày chương trình hành động của mình tại cuộc tiếp xúc cử tri ở khu vực bầu cử của mình. Thông qua đó, cử tri nhận biết và có thể lựa chọn được người đại diện mà mình tin tưởng.

Do vậy, chương trình hành động tốt, sát thực tế, gắn với năng lực làm đại biểu là một phần thông tin ban đầu quan trọng có thể là “tấm vé sáng” cho người ứng cử trở thành người đại diện cho dân.

Một cán bộ mặt trận tâm sự: Cử tri bây giờ tinh tường lắm. Họ rất ngán những người ứng cử đưa ra các lời hứa nghe rất “hoành tráng” nhưng khi trúng cử thì không thấy xuất hiện trên diễn đàn Quốc hội cũng như tiếp cận lắng nghe đề đạt của cử tri địa phương.

Chương trình hành động sẽ theo đại biểu trong suốt chặng đường 5 năm. Vì vậy, không chỉ hứa hay, hứa rồi để đấy mà đòi hỏi các ứng cử viên phải từ thực tiễn cuộc sống, từ cuộc sống của cử tri để viết nên những chương trình hành động thật nhất, khả thi nhất.

Vì không ai khác, cử tri luôn là người đánh giá khách quan nhất bản chương trình hành động đó của các ứng cử viên và quyết định lá phiếu bầu. Và cử tri cũng sẽ “giám sát” đại biểu trong suốt nhiệm kỳ.

Cử tri và nhiều ĐBQH khóa IX không thể quên câu chuyện trên diễn đàn Quốc hội khóa IX, có đại biểu đã đề nghị “đổi họ” một số ĐBQH nắm giữ những trọng trách trong bộ máy nhà nước sang họ “Hứa”- bởi vì các vị này “hứa” nhiều nhưng “làm” thì ít. Vậy thì, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV này, nhân dân mong rằng, các vị đại biểu của nhân dân không có vị nào bị “đổi sang họ Hứa”... 

HOÀNG HÀ