Tai nạn lao động

Cập nhật, 13:31, Thứ Sáu, 15/04/2016 (GMT+7)

Những năm gần đây, tai nạn lao động trên các công trình xây dựng có chiều hướng gia tăng đến mức báo động. Nhiều vụ tai nạn để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng cả về người và tài sản, đồng thời gây ra nỗi ám ảnh cho người dân sống xung quanh hoặc khi đi ngang qua công trình xây dựng cao tầng.

Có người nước ngoài so sánh ví von, đất nước Việt Nam đang như một công trình xây dựng. Điều đó không nói ngoa, lĩnh vực xây dựng là một trong những nguồn tạo việc làm chính ở Việt Nam với hơn 3,3 triệu người lao động.

Đây cũng là ngành có số vụ và số người bị tai nạn lao động cao nhất trong các ngành nghề sản xuất kinh doanh.

Trong số 6 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, nhiều thương vong nhất năm 2015, có tới 4 vụ xảy ra tại các công trường xây dựng. Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước có hơn 7.000 người bị tai nạn năm 2015.

Điều này có nghĩa là có hơn 500 người bị tai nạn/tháng, hơn 130 người/tuần, 27 người/ngày và khoảng 3,4 người/giờ (tính theo 8 giờ làm việc).

Trong đó, ngành xây dựng chiếm 1/3, tức là tối thiểu 1 giờ có 1 người gặp tai nạn. Nhưng đây mới chỉ là con số thống kê được, số vụ tai nạn lao động trên thực tế có lẽ còn lớn hơn.

Phân loại nguyên nhân cho thấy, 53% các vụ tai nạn lao động xảy ra trong thời gian qua là do ý thức chấp hành pháp luật của người sử dụng lao động.

Đặc điểm chung của các công trường xây dựng là tập trung nhiều ngành nghề với những công việc nặng nhọc, nguy hiểm trong khi mức độ cơ giới hóa thi công xây dựng chưa cao.

Điều đáng quan tâm là đa số công nhân xây dựng đều là lao động phổ thông, tham gia thời vụ, phần nhiều chưa qua đào tạo bài bản, nên thiếu kiến thức về an toàn lao động và bản thân lại chưa ý thức tự bảo vệ mình.

Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công chưa tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp bảo đảm an toàn lao động cho công nhân. Thực tế nữa cũng cho thấy tai nạn lao động là hệ lụy mặt trái của nhiều gói thầu giá rẻ. 

HOÀNG HÀ