Hội chứng lễ hội

Cập nhật, 08:46, Thứ Tư, 20/04/2016 (GMT+7)

Khung cảnh lễ hội Đền Hùng ngày Giỗ Tổ dân tộc năm nay được báo chí mô tả bằng ngôn ngữ hết sức nặng nề. Nào là “náo loạn”, “hỗn loạn”, “bát nháo”, “phản cảm”, “không thể tưởng tượng được”, v.v… khiến mọi người thấy “rùng mình”, “ngao ngán” và “xấu hổ”. Có lẽ đã đến báo động đỏ về văn hóa lễ hội của người Việt Nam.

Bởi, không chỉ ở lễ hội Đền Hùng, mà hình ảnh chen lấn có thể gặp ở bất cứ đâu. Đó là chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử. Đó là lễ rước ấn đền Trần, nơi hàng ngàn con người xâu xé nhau chỉ để được hưởng lộc tổ. Đó là những chuyến du lịch trong kỳ nghỉ dài, mà khi đến bất cứ địa danh nào, cũng dễ dàng bắt gặp cảnh xô đẩy, giành giật, không hàng lối, không trước sau.

Tâm niệm hành hương về đất Tổ, thành kính tưởng nhớ các vua Hùng với đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn” bất giác trở thành vô nghĩa. Sự thành kính đâu còn khi sự hỗn loạn mang đến vùng đất thiêng những tiếng la ó, khóc lóc; những cảnh chen lấn, xô đẩy, mặc cho những người trong ban tổ chức bắc loa khẩn thiết kêu gọi mọi người bình tĩnh. Sự thành kính đâu còn khi mà cuộc hành hương chẳng khác nào một cuộc… hành xác.

Tháng 9 năm ngoái, thảm họa giẫm đạp lên nhau giữa những người hành hương tại thánh địa Mecca đã làm hơn 700 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Ở Việt Nam tuy chưa xảy ra những sự cố bi thảm như vậy, nhưng nếu mùa lễ hội nào cũng để tái diễn tình trạng hàng ngàn người, thậm chí hàng trăm ngàn, hàng triệu người dồn ứ lại, tạo thành một đám đông hỗn loạn dễ mất kiểm soát, trong một thời điểm như tại lễ khai ấn đền Trần, lễ dâng hương giỗ Tổ đền Hùng thì khó có thể biết trước tai nạn gì có thể xảy đến.

Hành hương về đất Tổ mà gây nên thảm họa thì thật đáng trách.

Đã đến lúc cần có những nghiên cứu nghiêm túc của các nhà khoa học về mặt tâm lý xã hội để kiến giải hiện tượng này, từ đó có giải pháp căn cơ, khoa học để “hội chứng đám đông” với cảnh chen lấn kia không còn tiếp diễn.

HOÀNG HÀ