Đọc sách... bây giờ

Cập nhật, 14:02, Thứ Bảy, 23/04/2016 (GMT+7)

*Nhân Ngày Sách Việt Nam và Ngày Sách thế giới

Còn nhớ, những năm của thập niên 80 thế kỷ trước, chẳng có mấy “hình thức giải trí”. Cái ti vi đã hỏng không có phụ kiện sửa, máy cassette có vài cuộn băng nghe mãi thành nhão nhẹt. Đi du lịch… cứ như nằm mơ. Cho nên, sách là cực quý.

Còn bây giờ, nhiều người kêu “văn hóa đọc hết sức đìu hiu”. Bằng chứng là trước đây một quyển sách hay có thể in cả chục ngàn bản vẫn bán hết veo. Còn giờ, ngàn bản đã được coi là “hiện tượng”.

Song, “nhìn ra thì hổng bằng ai, nhìn lại thì có mấy ai bằng mình”- bởi cho đến năm 1945, Việt Nam có tới hơn 90% dân số không biết chữ.

Bác Hồ từng xác định có một thứ giặc đối với cả dân tộc, đó là “giặc dốt”. Nên ngay sau ngày độc lập, Bác đã ra hàng loạt sắc lệnh để xóa mù chữ cho cả nước. Nói như vậy, để thấy rằng hiển nhiên, nền văn hóa đọc của chúng ta còn rất non trẻ, so với hàng trăm năm của các quốc gia khác.

Tuy nhiên, nếu nói theo quy luật thị trường, hễ có cầu mới có cung; thì nếu không có một lớp người say mê đọc hẳn sẽ không thể hình thành những nhà văn từ thế hệ này đến thế hệ khác đã chinh phục người đọc trong cả nước.

Đặc biệt, trong rất nhiều sự hấp dẫn khó cưỡng của các phương tiện nghe nhìn, giải trí hiện nay, vẫn có một lớp người lặng lẽ say mê đọc, như một mạch nguồn tươi mát len lỏi giữa rừng xanh.

Trong các nhà sách, đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp các em nhỏ ngồi bệt xuống gạch, say sưa “đọc ké” từng trang sách. Và những thư viện tư nhân, tủ sách dòng họ ra đời ngày càng nhiều. Các nhà xuất bản cũng nhiều hơn với những dòng sách riêng mình.

Tiếp nối, từng thế hệ nhà văn Chế Lan Viên, Tố Hữu, Lê Lựu,… rồi Nguyễn Nhật Ánh, Lý Lan, Hồ Anh Thái,…

Và giờ đây, một lớp nhà văn trẻ và rất trẻ của tuổi hai mươi cũng tươi trẻ hình thành. Đó là Phan Hồn Nhiên cực kỳ nhạy bén với môi trường sống hiện đại, là Phan Việt với những cảm xúc dạt dào mà vô cùng lý trí, là Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Vĩnh Nguyên luôn suy tư trăn trở, là Nguyễn Ngọc Tư đậm đà chất miền Tây Nam Bộ.

Và công nghệ thông tin đã giúp cho những “cây viết mạng” như Trang Hạ, Keng, Di Li,… ngày càng nhiều.

Tuy còn rất nhiều điều để nói về người đọc, đọc gì cũng như về người viết, viết ra sao… Nhưng có thể tin rằng, khi nhiều người còn trăn trở về “đọc” cũng có nghĩa là “đọc” vẫn âm thầm mà tự tin chảy rất sâu nặng trong lòng mỗi người.

PHƯƠNG NAM