Cần đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó

Cập nhật, 05:13, Thứ Ba, 03/01/2017 (GMT+7)

Năm 2016 dần khép lại ở ngành công thương Vĩnh Long với “nhiều mặt đạt được”, hoạt động sản xuất kinh doanh duy trì mức tăng trưởng khá, cả năm ước tăng 11,03% (cả nước 7,3%, đứng thứ 4 khu vực ĐBSCL). Trong đó, một số ngành có khả năng phục hồi mạnh như: chế biến thủy sản, thức ăn gia súc, gốm mỹ nghệ, nông sản,...

Trong năm mới, nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết, sẽ cố gắng hơn nữa để vượt qua khó khăn, duy trì sự tăng trưởng.

Sản xuất kinh doanh ổn định tăng trưởng

Năm 2017, sẽ tăng cường hỗ trợ phát triển thương hiệu các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Năm 2017, sẽ tăng cường hỗ trợ phát triển thương hiệu các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Theo Sở Công thương, dự báo cả năm tổng kim ngạch xuất khẩu 358 triệu USD, vượt 27,86% kế hoạch và tăng 18,15% so năm 2015.

Trong các mặt hàng xuất khẩu, riêng mặt hàng giày da tăng trưởng mạnh (tăng 51%) với kim ngạch ước đạt 234 triệu USD tăng 79 triệu USD, do đó đã bù được kim ngạch một số mặt hàng xuất khẩu sụt giảm như thủy sản, gạo, thủ công mỹ nghệ.

Trong năm qua, các cấp ngành cũng đã tăng cường hỗ trợ, đẩy mạnh xúc tiến thương mại giúp DN vượt khó. Ông Lê Thanh Phong- Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương) cho biết: Khuyến công đã giúp cho các cơ sở công nghiệp nông thôn xác định đầu tư đúng, có hiệu quả, nâng cao năng lực quản lý, mở rộng sản xuất kinh doanh và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Đồng thời, giúp DN phát triển bền vững hơn, từng bước tham gia hội nhập sâu rộng hơn. Qua đó cũng tạo động lực thu hút các nguồn lực của DN vào phát triển công nghiệp nông thôn.

Tuy nhiên, theo ông Trần Hoàng Tựu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thời gian qua, một số ngành hàng công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn suy giảm đã làm ảnh hưởng đến mức tăng trưởng chung của toàn ngành, hoạt động mời gọi thu hút dự án đầu tư vào khu công nghiệp còn chậm, chưa tạo được thêm nhiều năng lực sản xuất mới, chưa có nhà đầu tư hạ tầng. Trong khi đó, năng lực cạnh tranh của các DN còn thấp...

Ông Hồ Trung Nghĩa- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) cũng cho rằng, DN Vĩnh Long chủ yếu là DN vừa và nhỏ nên sự cạnh tranh còn hạn chế. “Ngay cả thị trường nội địa còn gặp nhiều cạnh tranh, do đó việc vươn xa thị trường nước ngoài là thách thức lớn”- ông nói.

Nỗ lực vượt qua khó khăn

Nhiều doanh nghiệp nỗ lực vượt khó.
Nhiều doanh nghiệp nỗ lực vượt khó.

Theo Sở Công thương, trong năm 2017, các ngành có khả năng phục hồi là: chế biến thức ăn gia súc, thủy sản, phân bón...

Ông Đinh Văn Vụ- Phó Giám đốc Nhà máy Phân bón Cửu Long cũng cho biết: “Do ảnh hưởng biến đổi khí hậu (hạn mặn) nên nửa đầu năm nay DN gần như không triển khai sản xuất kinh doanh được”.

Song, về cuối năm DN đã nỗ lực hoàn thành kế hoạch đề ra. Trong kế hoạch sản xuất năm 2017, dù dự báo sẽ chịu tác động từ nhiều phía, kể cả sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường nhưng DN cho biết sẽ đăng ký sản xuất kinh doanh tăng 25%, bằng giải pháp phân khúc thị trường để phát triển.

Trong khi đó, theo Phó Phòng Công thương Mang Thít- Phan Cảnh: Mang Thít đang thực hiện cơ cấu lại ngành công thương trên cơ sở “phân vùng” sản xuất kinh doanh từng giai đoạn, ngành nghề theo địa bàn cụ thể.

“Ngành đóng tàu, chế biến thức ăn thủy sản đang phục hồi tốt nhưng theo quy hoạch chỉ ưu tiên phát triển ven sông Cổ Chiên, những địa bàn khác sẽ không được khuyến khích”- ông Phan Cảnh
cho biết thêm.

Ông Trần Hoàng Tựu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận định: Dự báo năm 2017, sẽ có nhiều thuận lợi để phát triển nhưng cũng đan xen nhiều khó khăn, thách thức, do đó đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, các ngành.

Thời gian tới, cần tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp tham mưu UBND tỉnh để tháo gỡ khó khăn cho DN; tiếp tục nâng cao hiệu quả của hoạt động xúc tiến thương mại, hoạt động khuyến công hỗ trợ cho DN; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trung hỗ trợ phát triển thương hiệu các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các sản phẩm địa phương.

Nhiều DN cho biết, trong sản xuất hiện đang nổi lên tình trạng “giả mạo bao bì” để cạnh tranh thiếu lành mạnh trên thị trường. Ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phước Thành IV (Long Hồ) cho biết, công ty của ông đang bị một DN ở Đồng Tháp “nhái” bao bì để tiêu thụ sản phẩm ở thị trường phía Bắc. Vụ việc này đã được báo đến cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Ông Đinh Văn Vụ- Phó Giám đốc Nhà máy Phân bón Cửu Long cũng cho biết, đang bị một cơ sở ở Quận 12 (TP Hồ Chí Minh) lợi dụng thương hiệu để kinh doanh. Vụ việc cũng đã được báo cáo cơ quan có thẩm quyền nhưng đến nay chưa có kết quả.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH- THẢO LY