Giáo dục ĐBSCL: Một năm vượt khó

Cập nhật, 15:33, Thứ Hai, 03/08/2015 (GMT+7)

Đứng trước nhiều khó khăn trong năm học, song các Sở GD- ĐT thuộc Vùng 6- ĐBSCL đã đạt nhiều kết quả, nhất là thực hiện các đề án, thông tư của Bộ GD- ĐT. Đây là những tín hiệu vui cho giáo dục ĐBSCL được nhiều đại biểu chia sẻ trong hội nghị tổng kết thi đua các Sở GD- ĐT Vùng 6- ĐBSCL vừa diễn ra…

Kéo giảm tỷ lệ học sinh bỏ học là một kết quả nổi bật nhất của giáo dục ĐBSCL trong năm học qua.
Kéo giảm tỷ lệ học sinh bỏ học là một kết quả nổi bật nhất của giáo dục ĐBSCL trong năm học qua.

Nắm chắc cái khó để giải quyết

Theo nhận định, giáo dục Vùng 6 luôn nhận được sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát của Bộ GD- ĐT, BCĐ Tây Nam Bộ và các cấp chính quyền địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển.

Đặc biệt, việc triển khai Nghị quyết số 29/NQ- TW và Chương trình hành động của Bộ GD- ĐT, của tỉnh được thực hiện tốt. Trong đó, tập trung và chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: triển khai nhân rộng mô hình trường học mới (VNEN); nâng cao chất lượng thông qua mô hình trường THCS bán trú; triển khai tốt các thay đổi của Bộ GD- ĐT trong việc kiểm tra đánh giá đối với học sinh tiểu học,…

Từ đầu năm học, một khó khăn của Vùng 6 chính là tỷ lệ học sinh bỏ học tăng so với năm học trước, với trên 25.000 trường hợp. Trong đó, bậc tiểu học tăng 0,02%, THCS tăng 0,32% và THPT tăng 0,2%. Ngoài ra, tình trạng thiếu cơ sở vật chất, giáo viên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thực hiện nhiệm vụ giáo dục. Đặc biệt là đề án “phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi”. Vùng 6 cũng còn nhiều khó khăn như: thiếu điều kiện để mở rộng hình thức dạy học 2 buổi/ngày; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia của còn thấp; kinh phí đầu tư cơ sở vật chất còn hạn chế; chất lượng giáo dục chưa đồng đều giữa các trường, các địa bàn và các địa phương; tỷ lệ học sinh học lực yếu, kém và lưu ban, bỏ học còn cao;…

Ngành giáo dục đã thực hiện tốt các mô hình trường học mới để nâng cao chất lượng GD-ĐT. Trong ảnh: Một lớp học theo mô hình VNEN.
Ngành giáo dục đã thực hiện tốt các mô hình trường học mới để nâng cao chất lượng GD-ĐT. Trong ảnh: Một lớp học theo mô hình VNEN.

Trong khi đó, bắt đầu từ năm học 2014- 2015, toàn vùng thi đua chỉ có Bến Tre và Tiền Giang đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi. Đó là chưa kể trong 15 tỉnh- thành của cả nước khó có khả năng hoàn thành đề án thì ĐBSCL có 8 tỉnh. Đây là vấn đề được nhiều lãnh đạo Sở GD- ĐT các tỉnh đặt câu hỏi và kiến nghị Bộ có hướng hỗ trợ…

Đối với đề án “Phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi”, lãnh đạo các sở GD- ĐT cũng đã có ý kiến để các tỉnh thi đua Vùng 6 có điều kiện hoàn thành. Theo lãnh đạo Sở GD- ĐT Tiền Giang, Hậu Giang, An Giang thì nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất dành cho bậc mầm non còn ít, gây khó khăn để hoàn thành đề án. Các lãnh đạo này cũng đề nghị Bộ GD- ĐT xem xét việc đầu tư, hỗ trợ để ĐBSCL được xem là “vùng trũng” giáo dục có điều kiện phát triển.

Nhiều cố gắng trong hoạt động giáo dục

Khó khăn nhiều, song trong năm học qua, trong công tác quản lý giáo dục, các tỉnh đã tập trung thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu về giáo dục. Trong đó, nổi bật là chỉ tiêu phổ cập, phát triển đội ngũ giáo viên gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, triển khai tốt các mô hình giáo dục tiên tiến như: mô hình trường học mới (VNEN), nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông…

Giám đốc Sở GD- ĐT An Giang La Công Tâm cho biết: Thành tựu nổi bật nhất của ngành giáo dục ĐBSCL, trong đó có An Giang chính là kéo giảm học sinh bỏ học. Nếu năm học trước học sinh tiểu học bỏ học 3%, THCS 6- 7%, THPT 8 - 9% thì năm học 2014- 2015, con số này tương ứng 0,84%; 3,92% và 4,02%. Nổi bật còn có các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp đã hạ tỷ lệ học sinh bỏ học bình quân là dưới 1%.

Riêng về chương trình phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi là một công tác thành công của giáo dục ĐBCSL. Từ 2 tỉnh đạt ở đầu năm, sau khi kết thúc năm học, ngoài Hậu Giang đã đạt, các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Vĩnh Long cuối năm 2015 cũng sẽ hoàn thành.

Đánh giá các mặt của giáo dục ĐBSCL,  Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Bộ GD- ĐT, Chính phủ luôn quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho ngành GD các tỉnh ĐBSCL. Tỷ lệ học sinh bỏ học, tỷ lệ sinh viên trên vạn dân, chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo ở ĐBSCL đã tiếp cận với bình quân chung cả nước là một tín hiệu đáng mừng. Ngoài ra, tín hiệu xã hội hóa giáo dục như Đài Truyền hình Vĩnh Long đầu tư cho giáo dục 200 tỷ đồng hay như một ngân hàng ở Kiên Giang đầu tư trên 100 tỷ đồng… là rất tốt. Thứ trưởng Bùi Văn Ga mượn lời của ông Nguyễn Thanh Bình- Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang khi đánh giá một năm hoạt động giáo dục của ĐBSCL: “ĐBSCL là vũng trũng giáo dục, nhưng ta có sức tới đâu làm tới đó, hết sức mình, không dùng “phao”, yếu chỗ nào phấn đấu chỗ ấy”…

Trong năm học qua, giáo dục Vĩnh Long đã có nhiều hoạt động đạt kết quả cao. Theo ông Lý Đại Hồng- Phó Giám đốc Sở GD- ĐT Vĩnh Long thông tin, ngành giáo dục đã có nhiều hoạt động tích cực như: kinh phí đầu tư cho giáo dục mầm non gần 410 tỷ đồng; thực hiện tốt các đề án, thông tư của Bộ GD- ĐT; đạt giải xuất sắc cuộc thi Sáng kiến Phòng chống tham nhũng VACI 2014; ký kết bản ghi nhớ hợp tác phát triển giáo dục đào tạo với Trường ĐH Tokuyama (Nhật Bản), Trường chuyên nghiệp Bull và ĐH Tongmyyong (Hàn Quốc)…

 

Bài, ảnh: KHÁNH DUY