NHÂN KỶ NIỆM 24 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG HỘI CỰU CHIẾN BINH VIỆT NAM (6/12/1989- 6/12/2013)

Cùng đồng đội vượt khó

Cập nhật, 12:30, Thứ Năm, 05/12/2013 (GMT+7)

Phát huy bản lĩnh người lính Cụ Hồ, những năm qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) các cấp trong tỉnh đã nêu cao vai trò gương mẫu trên tất cả lĩnh vực, nhất là hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo để giúp nhau vượt khó thoát nghèo và là “chỗ dựa” vững chắc cho nhiều đồng đội.

Động viên nhau vượt khó

Không kể thời tiết nắng hay mưa bão, cứ đến 17 giờ chiều vào ngày rằm âm lịch hàng tháng là các hội viên (HV) Chi hội CCB ấp Phước Thới C (xã Bình Phước- Mang Thít) có buổi họp lệ xoay vòng tại từng nhà đồng đội để tham quan học hỏi mô hình làm ăn có hiệu quả và góp ý cho nhau để cùng tiến bộ.

Tuy bị tai biến phải ngồi một chỗ nhưng ông Huỳnh Văn Nhiều (75 tuổi) vẫn không bỏ sót buổi họp nào. Không chỉ ngồi nghe, ông còn nhiệt tình đóng góp ý kiến xây dựng phong trào hội. Từng trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy khốc liệt nên ông hiểu “để xây dựng chi hội vững mạnh cần có sự đoàn kết tốt, thống nhất trong ý chí và hành động”.

Ông Nguyễn Văn Buôl- Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp cho biết: Hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trong chi hội đã động viên lẫn nhau quyết tâm đoàn kết, tạo sự chuyển biến tích cực trong tất cả các hoạt động.

Từng HV đã phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tích cực tăng gia sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Do đó, từ một chi hội có trên 50% HV nghèo; đến nay, hầu hết đã vươn lên khá giàu, chỉ còn một HV nghèo do già yếu và không có đất sản xuất.

Để giúp đồng đội vượt khó, chi hội tổ chức 2 tổ hùn vốn xoay vòng với 23 HV. “Điều đáng quý là thông qua việc trao đổi kinh nghiệm thực tế, anh em không “giấu nghề” mà tận tình hướng dẫn, chỉ bảo nhau cách ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất đạt hiệu quả”- ông Mai Văn Hùng- Chủ tịch Hội CCB xã nhận định.

Nhờ học hỏi mô hình đưa cây màu xuống ruộng, ông Lê Minh Tuấn (thứ 2, bên trái) đạt lợi nhuận trên 100 triệu đồng/ha/năm.

Đang cắt chèo dưa hấu trên cánh đồng bạt ngàn màu lá xanh mơn mởn, ông Lê Minh Tuấn khoe: Nhờ học hỏi và áp dụng mô hình trồng bí đỏ- dưa hấu trên đất ruộng mà mấy năm nay tui làm đâu thắng đó “chắc như bắp luôn”, sau khi trừ chi phí có thể bỏ túi hơn 100 triệu đồng/ha.

Đến tham quan mô hình VAC của ông Huỳnh Văn Năm, chúng tôi cũng vui lây. Với 12 công đất vườn, ông trồng chôm chôm, nhãn, sầu riêng; đồng thời, chăn nuôi theo kiểu “lấy ngắn nuôi dài” như trồng chuối làm thức ăn cho vịt, tận dụng cỏ nuôi bò, lợi nhuận hơn 150 triệu đồng/năm. “Đạt được như hôm nay là cả quá trình phấn đấu của bản thân và sự hỗ trợ của đồng đội”- ông tâm sự.

Gương mẫu đi đầu các phong trào

Nhận thức được việc làm theo Bác là những việc làm cụ thể chứ không phức tạp như: tinh thần sống vì cộng đồng, biết nỗ lực vượt khó để chiến thắng đói nghèo lạc hậu; từ một tập thể có đến 20 HV có hoàn cảnh khó khăn, đến nay toàn xã Mỹ Thuận (Bình Tân) đã không còn CCB thuộc diện nghèo và cận nghèo.

Qua các phong trào, đã thu hút 112 HV vào tổ chức hội, đạt 100% nguồn CCB hiện có. Điều đáng nói là tất cả gia đình HV này đều đạt chuẩn văn hóa và gương mẫu thực hiện phong trào do địa phương phát động nhất là phong trào “Vĩnh Long chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM)”.

Thông qua việc tham quan, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn đã giúp cho nhiều CCB ấp Phước Thới C vươn lên thoát nghèo bền vững.

“Đó là nhờ làm tốt công tác vận động quần chúng, mở ra khâu đột phá trong xây dựng phong trào, phát động nhiều mô hình sản xuất kinh doanh giỏi”- ông Nguyễn Thành Tâm- Chủ tịch Hội CCB xã tự hào nói.

Dẫn chúng tôi tham quan HTX Nông nghiệp Dịch vụ Mỹ Tú do CCB Lại Văn Tám làm chủ nhiệm, ông Nguyễn Thành Tâm cho biết: HTX thành lập từ ngày 6/4/2012, vốn ban đầu là 600 triệu đồng (Trung ương hội cho vay 300 triệu đồng) với ngành nghề kinh doanh: phơi, sấy lúa gia công, mua bán lúa giống, lúa hàng hóa, dịch vụ nông nghiệp.

“Trong điều kiện thời tiết diễn biến bất thường, diện tích sân phơi nhỏ hẹp, yêu cầu chất lượng hạt lúa ngày càng cao... việc đẩy mạnh đầu tư lò sấy lúa theo công nghệ hiện đại là rất cần thiết, hướng đến nông nghiệp bền vững”- ông Lại Văn Tám nhận định.

Bên cạnh việc phát động 8 chi hội xây dựng quỹ hội, tổ chức 8 tổ hùn vốn xoay vòng, vận động cất và sửa chữa nhà cho HV, hội còn tạo điều kiện cho HV vay vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất kinh doanh…

Minh chứng cho việc sử dụng đồng vốn vay đúng mục đích, là việc đã cho ra đời tổ hợp tác máy gặt đập liên hợp do CCB Nguyễn Văn Tám làm tổ trưởng. Nhờ thu hoạch lúa ít bị thất thoát, lại tiết kiệm thời gian, chi phí, được cái “khi thu hoạch xong, giao lúa tận nhà” nên ai cũng mê, đã giúp tổ hợp tác “ăn nên làm ra” mua sắm thêm nhiều máy móc, thiết bị với tổng trị giá tài sản trên 2 tỷ đồng.

Thông qua các mô hình kinh tế tập thể cộng với sự nỗ lực hỗ trợ của hội mà hàng năm đã giải quyết cho 55 HV có việc làm ổn định với mức thu nhập khoảng 3 triệu đồng/người/tháng. Từ đó, nhiều HV có điều kiện góp công, góp của vào phong trào xây dựng NTM của địa phương.

Cụ thể, đã hiến hơn 2.600m2 đất để làm lộ, góp 171 lượt ngày công để sửa chữa 2 cây cầu, 3 con đập, đổ 86m3 đá, nâng cấp 1.200m đường… đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn.

Qua 2 năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trong tỉnh, đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất, làm kinh tế tập thể và cá nhân CCB mang lại hiệu quả, với 1.400 HV được công nhận là CCB sản xuất giỏi; có 495 CCB hiến trên 120.000m2 đất để hưởng ứng phong trào “Vĩnh Long chung sức xây dựng NTM”.

Bài, ảnh: YẾN XUÂN