Vượt khó đến giảng đường

Cập nhật, 16:41, Thứ Sáu, 26/09/2014 (GMT+7)

Niềm vui khi hay tin đậu đại học (ĐH) hoà vào nước mắt của những học sinh nghèo, rồi con đường 4 năm ở giảng đường sẽ ra sao khi cái ăn, cái mặc hàng ngày ở quê nhà đã khó?

Tài sản là hai đứa con ngoan

Nguyễn Thị Pha Lê bên mẹ và em trai.

Đến thăm nhà em Nguyễn Thị Pha Lê- học sinh Trường TH Cấp II- III Phú Quới (Long Hồ) ở giữa đồng vào mùa nước ngập mới thấu được những khó khăn của cô trò nhỏ. Nhà Pha Lê lụp xụp như căn chòi, chỉ cần một trận bão có thể cuốn bay đi. Trong nhà không có vật dụng gì đáng giá, duy có nhiều, rất nhiều giấy khen của 2 chị em Lê được dán đầy vách.

Nhà chỉ có hai cái ghế nên có người ngồi, người phải đứng. Cô Trần Thị Khen- mẹ Pha Lê- ngượng ngùng không dấu được chút buồn: “Nhà tui không có cái gì là đáng giá hết, tài sản của vợ chồng là 2 đứa con ngoan”.

Cô Khen chỉ vào đôi chân có hai khớp xương đưa ra cong vòng, nói: “Hồi đó, tui còn đi mần mướn, giờ chân thoái hóa xương, chân kia bị khớp đi đứng bất tiện…”. Ngày hay tin Pha Lê đậu ĐH, cả nhà ai cũng mừng mà cũng thêm lo “tiền đâu đi học”.

Chạy vạy, vay mượn lắm mới đủ tiền cho con đi đóng học phí kỳ đầu, còn tiền sinh hoạt,… Tất cả nỗi lo như chất chồng lên đôi vai người mẹ. Với căn bệnh khớp hành hạ đau nhức mỗi ngày, cô Khen chỉ uống thuốc Nam cầm chừng chứ “tiền đâu mà lo tới”. Cha Pha Lê- chú Nguyễn Danh Toại- thì vừa thuê mấy công ruộng làm kiếm gạo cho cả nhà vừa đi phụ hồ.

Tuy bộn bề với khó khăn nhưng 12 năm đi học là 12 năm Pha Lê đạt danh hiệu học sinh giỏi. Tuy Pha Lê giỏi văn nhưng tin em đậu ngành báo chí- Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn với số điểm 23,5 vẫn là một bất ngờ lớn. “Em không đi học thêm hay luyện thi ĐH, chỉ tự học ở nhà”- Pha Lê nói. Sau khi nghiên cứu đề thi và đáp án của Bộ GD- ĐT, Lê thấy: “Đáp án rất sát với sách giáo khoa và em chọn học bài trong sách”.

Nói về con đường tương lai của mình, Pha Lê- cô gái mảnh khảnh nhưng ánh mắt đầy cương quyết- cho biết: “Em sẽ cố gắng thực hiện bằng được ước mơ của mình bằng việc đi làm thêm và cố gắng học tốt,…”

Ước mơ của Trinh

Trương Thị Huyền Trinh muốn vẽ ước mơ cho cả gia đình.

Mang trong mình căn bệnh thận hư nhưng nhiều năm qua, Trương Thị Huyền Trinh- học sinh Trường THPT Vĩnh Long- vẫn cố gắng nuôi ước mơ đến giảng đường ĐH. Ước mơ thành sự thật, Trinh đậu vào ngành kiến trúc của Trường ĐH Xây dựng Miền Tây.

Trinh kể: “Bữa hổm em lên trường làm thủ tục nhập học tưởng cỡ vài trăm ngàn thôi rồi học phí đóng sau. Không ngờ, phải đóng học phí học kỳ I gần 4 triệu. Em xất bất xang bang chạy về nhà, cùng mẹ chạy đi kiếm mượn tiền,…”. Câu chuyện như đứt đoạn bởi những cảm xúc đau buồn khó tả của Trinh.

Từ năm lớp 1, thấy mình mẩy con gái sưng húp, cô Trần Thị Hương- mẹ Trinh- đã đưa con đi khám bệnh nhiều nơi và bác sĩ kết luận em bị hội chứng thận hư. Từ đó đến nay, Trinh phải đi trị bệnh định kỳ, khi vài tháng, khi nửa năm một lần ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Cô Hương nói trong nước mắt: “2 năm nay, tôi không có tiền đưa nó đi tái khám”.

Gia đình của Trinh không có đất sản xuất, mọi chi tiêu trong nhà đều trông cậy vào tiền công phụ hồ của cha Trinh, chú Trương Chín. “Mỗi ngày trăm mấy mà tuần làm tối đa 4 ngày hà,… có khi trong nhà hết gạo ăn phải chạy đi mượn đỡ”- cô Hương nhìn xa xăm.

Trước kia, cô Hương cũng đi làm hồ nhưng vì bị hạ can xi và cao huyết áp, thường xuyên ngất xỉu nên “không ai dám mướn”. Cô Hương nói thêm: “Giờ tui ở nhà, ai mướn gì mần đó, khi có khi không”.

Cơn mưa ập đến giữa buổi nói chuyện của chúng tôi. Cô Hương nhanh chóng khiêng chiếc bàn nhựa chúng tôi đang ngồi sang phía bên kia tránh dột. Nhà của Trinh vách lá và được lợp tôn, có điều tấm cũ, tấm mới.

Cô Hương cười buồn buồn: “Hễ đi làm thấy nhà người ta bỏ tấm tôn nào là tui xin về lợp nhà mình, từng tấm, từng tấm nên có mới có cũ vậy đó”. Chỉ tay vào tấm vách làm bằng những tấm la phông cũ, cô nói: “Miếng vách này tui cũng xin về cho con gái dán giấy khen. Trinh nó cẩn thận lắm từ lớp 1 đến giờ, miếng giấy khen nào cũng còn nguyên”.

Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, ngay sau khi thi ĐH xong, Trinh liền đi phụ quán cà phê kiếm thêm thu nhập. “Mỗi ngày em làm từ 6 giờ sáng đến 9 giờ tối được 1.800.000 đ/tháng. Em vừa mới nghỉ làm chuẩn bị nhập học. Khi nào việc học ổn định, em sẽ tiếp tục đi làm thêm phụ mẹ”. Trinh tin rằng: “Em cố gắng học thật tốt rồi gia đình em sẽ có tương lai tốt đẹp hơn”.

Nguyễn Thị Pha Lê và Trương Thị Huyền Trinh là 2 trong 34 tân sinh viên của tỉnh Vĩnh Long xin học bổng “Tiếp sức đến trường” của Báo Tuổi Trẻ. Không chỉ riêng 2 em, trong danh sách đề cử học bổng này còn có rất nhiều những hoàn cảnh khó khăn, biết vươn lên mở cánh cửa giảng đường. Dự kiến, buổi lễ trao học bổng sẽ được tổ chức vào ngày 4/10 tại TP Cần Thơ.


Bài, ảnh: CAO HUYỀN