Sản xuất công nghiệp phấn đấu vượt khó

Cập nhật, 07:04, Thứ Tư, 28/01/2015 (GMT+7)


Tuy mức sản xuất chung trong năm giảm nhưng ngành gốm đang có những tín hiệu khởi sắc bởi đơn hàng tăng.

Theo Sở Công thương Vĩnh Long, hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2014 duy trì được mức tăng trưởng khá.

Nhiều doanh nghiệp đã tích cực chủ động, nắm bắt chính sách hỗ trợ của Nhà nước, vượt qua khó khăn, đẩy mạnh tốc độ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Trong năm, ngành công thương đã tích cực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực công thương từng bước đi vào nề nếp, sự phối hợp giữa sở và các địa phương, đơn vị ngày càng chặt chẽ hơn.

Các nhiệm vụ trọng tâm của ngành được phân công thực hiện cụ thể, hoàn thành tiến độ đề ra. Trong năm, mạng lưới phân phối hàng hóa phong phú, đa dạng, lưu thông thông suốt từ tỉnh đến các huyện, xã vùng nông thôn, không xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12% so với năm 2013. Trong đó ngành khai khoáng tăng 9,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng hơn 12%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng gần 8,5%; cung cấp nước, quản lý và xử lý nước thải, rác thải tăng 10,8%. Tính cả năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 19.625 tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm 2013.

Nhìn chung, sản xuất công nghiệp cơ bản thoát khỏi khó khăn, có sự phục hồi và tăng trưởng khá mạnh, đứng hàng thứ 3 trong các tỉnh ĐBSCL (chỉ số sản xuất công nghiệp ĐBSCL là 10%). Theo đó, các cơ sở sản xuất gạch gốm sau thời gian tạm ngưng hoạt động đã tổ chức sản xuất có hiệu quả.

Nhiều sản phẩm mới có hàm lượng giá trị tăng thêm xuất hiện. Trong đó có sản phẩm bia của Nhà máy bia Sài Gòn- Vĩnh Long bắt đầu sản xuất từ tháng 12/2013, đã góp phần đáng kể vào mức tăng trưởng của ngành công nghiệp.

Tuy nhiên, một số ngành hàng công nghiệp, doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong ngành suy giảm, ảnh hưởng đến mức tăng trưởng chung của toàn ngành.
 
Chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt thấp, tổng kim ngạch xuất khẩu 283,22 triệu USD, chỉ đạt 74,5% kế hoạch năm (giảm mạnh nhất là hai mặt hàng chủ lực gạo và thủy sản). Mặt khác, việc mời gọi thu hút đầu tư vào khu công nghiệp còn chậm, chưa tạo thêm nhiều năng lực sản xuất mới.

Trong khi đó, kêu gọi đầu tư xây dựng và phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng chậm- chưa có nhà đầu tư hạ tầng. Song song đó, tình trạng thiếu vốn, thiếu lao động, giá cả đầu vào tăng cao vẫn gây khó khăn cho các doanh nghiệp.

Năm 2015, ngành đề ra chỉ tiêu: giá trị sản xuất công nghiệp phấn đấu đạt 22.000 tỷ đồng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13%, kim ngạch xuất khẩu đạt 330 triệu USD, tổng mức luân chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phấn đấu đạt 35.000 tỷ đồng, tăng 12,7% so năm 2014.


May trang phục là một trong những ngành có mức sản xuất tăng cao.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Phan Anh Vũ lưu ý năm 2015 vẫn còn có những khó khăn. Ngành công thương cần nỗ lực để hoàn thành kế hoạch.

Theo đó, cần rà soát lại những chỉ tiêu mặt hàng chủ yếu từng lĩnh vực, từng ngành; mở rộng sản xuất các ngành đã có, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Đồng thời, cần đặc biệt quan tâm tăng trưởng công nghiệp nông thôn. Bên cạnh, cần có kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa. Mặt khác, rà soát lại những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong tỉnh để tháo gỡ thiết thực cho doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn, tiếp tục đầu tư phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu.

Ông cũng lưu ý, bản thân những doanh nghiệp cần tự vận động vươn lên, sắp xếp lại nội lực của doanh nghiệp mình để duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh.

Một số ngành công nghiệp có mức sản xuất tăng cao so năm 2013 là: sản xuất bia, đóng tàu, mỹ phẩm, thủ công mỹ nghệ, dược phẩm, xi măng, giày dép, may trang phục, sản xuất phân bón, bê tông và các sản phẩm từ xi măng. Tuy nhiên, còn một số ngành giảm do khó khăn về vốn, thị trường tiêu thụ như: thuốc lá, chế biến và bảo quản thủy sản, gốm mỹ nghệ…

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN