Kinh tế vượt khó tăng trưởng

Cập nhật, 14:23, Thứ Tư, 01/01/2014 (GMT+7)

Trong năm 2013, tỉnh Vĩnh Long đã chủ động triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp (DN) vượt khó, giảm lượng hàng tồn kho, nhiều DN tiếp tục có bước phát triển.


Nhiều doanh nghiệp tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh.
Ảnh chụp tại Công ty TNHH Cơ khí Thương mại xây dựng Mười Tâm.

Duy trì tăng trưởng

Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2013 đạt hơn 19.000 tỷ đồng, tăng 13%; một số ngành công nghiệp có mức sản xuất tăng như chế biến thủy sản, gạo xay xát, thức ăn thủy sản, giày thể thao, bê tông và các sản phẩm từ xi măng, dược phẩm.

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GDRP) ước tăng 6,2%. Tuy tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt thấp hơn so với mục tiêu đề ra (8- 8,5%), nhưng đều tăng so với năm 2012. Đây là kết quả đáng ghi nhận trong điều kiện kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, ưu tiên tập trung thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Mặc dù bị ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, dịch bệnh, giá tiêu thụ thấp… nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn tiếp tục có sự tăng trưởng. Giá trị sản xuất toàn ngành nông- lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 18.948 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2012; trong đó nông nghiệp tăng 1,8%.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của phần lớn các DN trong các khu- tuyến công nghiệp của tỉnh tiếp tục được duy trì, nhiều DN tiếp tục mở rộng và có đóng góp đáng kể. Giá trị sản xuất năm 2013 ước đạt 3.800 tỷ đồng, tăng 10%, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 184 triệu USD, tăng 12% so năm 2012.

Trong năm, các khu và tuyến công nghiệp đã đón tiếp 17 nhà đầu tư (10 nhà đầu tư nước ngoài) đến tìm hiểu đầu tư, qua đó cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 3 dự án (1 dự án trong nước và 2 dự án nước ngoài), với tổng vốn đầu tư 165,7 tỷ đồng và 800.000 USD, diện tích thuê đất là 4ha, thuộc các ngành nghề may mặc, sản xuất thức ăn chăn nuôi, gạch không nung.

Đến nay đã có 32 dự án trong khu- tuyến công nghiệp (tăng 1 dự án so năm 2012) gồm: 9 dự án trong Khu công nghiệp Bình Minh, 18 dự án trong Khu công nghiệp Hòa Phú và 5 dự án tại Tuyến công nghiệp Cổ Chiên.

Không chùn bước

Việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh đối với các DN là một trong những nhiệm vụ được tỉnh tập trung triển khai thực hiện. Qua khảo sát tại 125 DN, các khó khăn chủ yếu thuộc các lĩnh vực tín dụng, thuế, đất đai, hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa.
 
UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc DN, qua đó đã giải quyết những kiến nghị liên quan đến việc cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất nợ cũ, gia hạn thuế, giảm tiền thuê đất, cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, thủ tục giao đất, gia hạn thời gian di dời cơ sở sản xuất...
 
Trong đó, thực hiện gia hạn, giảm tiền nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập DN, giảm tiền thuê đất... cho 1.457 DN với số tiền trên 112 tỷ đồng.

Trong năm, UBND tỉnh đã điều chỉnh, sửa đổi chính sách khuyến khích đầu tư của tỉnh thông thoáng hơn. Qua trao đổi, giới thiệu chính sách khuyến khích và hỗ trợ đầu tư của tỉnh với 25 lượt nhà đầu tư (trong đó có 4 nhà đầu tư nước ngoài), đã có 8 dự án đăng ký được chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng mức vốn đăng ký là 1.993 tỷ đồng, trong đó có 2 dự án FDI với tổng mức vốn đăng ký đầu tư là 800.000 USD.

Ông Nguyễn Minh Tuệ- Giám đốc Công ty CP May Vĩnh Tiến cho biết: Khó khăn của DN năm nay là đơn hàng không đều. Có thời điểm phải tìm kiếm đơn hàng, khách hàng. Bên cạnh, BHXH, lương tối thiểu và các chi phí sản xuất cũng tăng cao.

Tuy nhiên nhờ tích cực phối hợp với tổng công ty tìm kiếm thị trường, cộng với việc cải tiến, hợp lý hóa dây chuyền sản xuất, bố trí lao động phù hợp, tiết kiệm để giảm chi phí sản xuất. Nhờ vậy, sản lượng đạt 3 triệu sản phẩm, doanh thu ước đạt 128 tỷ đồng. So năm 2012 tăng khoảng 10%, và tăng khoảng 2% so kế hoạch năm. Năm 2014, công ty phấn đấu tăng trưởng 10%.

Trong nỗ lực cứu lò gạch, gốm, sự ra đời của công nghệ “Lò nung liên hoàn Vĩnh Long” khiến cho ngành gạch gốm có bước khởi sắc. Ông Bùi Hữu Mai- Giám đốc Công ty TNHH Tân Mai, khẳng định: Việc ứng dụng công nghệ mới là hướng đi vững chắc, sản phẩm từ lò nung liên hoàn Vĩnh Long hoàn toàn có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Hiện toàn tỉnh đã có 8 DN, cơ sở đã áp dụng công nghệ mới này.

Ông Hồ Trung Nghĩa- Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Vĩnh Long, cho biết: Để góp phần gỡ khó cho DN, thời gian tới, trung tâm tiếp tục tìm hiểu nhu cầu tiêu dùng của thị trường các nước, tìm kiếm đối tác, tham dự hội chợ thương mại nhằm giới thiệu các mặt hàng thế mạnh của tỉnh.

Năm 2014, Vĩnh Long phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 21.500 tỷ đồng, tăng 13%, trong đó, một số ngành có khả năng duy trì mức tăng trưởng cao là khai thác cát sông, chế biến thủy sản, thức ăn chăn nuôi, may mặc, giày thể thao, xi măng,...
 
Kim ngạch xuất khẩu phấn đấu đạt 380 triệu USD, tăng 13,7% so với năm 2013. Tổng mức luân chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu tiêu dùng phấn đấu đạt 33.600 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ.

Trong năm 2013, toàn tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký DN cho 215 DN với tổng số vốn đăng ký gần 945 tỷ đồng; cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho 57 chi nhánh và văn phòng đại diện. Đến nay, số DN đăng ký hoạt động là 3.217 DN với tổng số vốn đăng ký là 15.753 tỷ đồng. Số DN giải thể là 42 DN (giảm 16 DN so với năm 2012), trong đó loại hình DN tư nhân giải thể nhiều nhất với 36 DN tạm ngừng hoạt động.

Bài, ảnh: SƠN HIỀN LY