Mỗi thầy, trò là một đại sứ văn hóa đọc

Cập nhật, 20:50, Chủ Nhật, 17/07/2022 (GMT+7)

Qua 4 năm tổ chức, “Đại sứ Văn hóa đọc” không chỉ dừng ở một cuộc thi mà còn là sân chơi tri thức cho thế hệ trẻ với nhiều dấu ấn. Từ sự nỗ lực của các thầy cô giáo trong việc ươm mầm, nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách, mỗi thầy và trò là một đại sứ văn hóa đọc, lan tỏa giá trị của sách trong cộng đồng.

Phong trào đọc sách ngày càng lan tỏa, ươm mầm từ những bạn trẻ.
Phong trào đọc sách ngày càng lan tỏa, ươm mầm từ những bạn trẻ.

Khẳng định giá trị tốt đẹp của văn hóa đọc

Ông Phạm Quốc Hùng- Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Trưởng BTC cuộc thi cho biết: Năm 2021, cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” đã thu hút gần một triệu học sinh, sinh viên trên khắp cả nước đến từ 6.882 trường tiểu học, THCS, THPT, ĐH và học viện tham gia.

Từ những kết quả tích cực đó, cuộc thi đã thực sự tạo được dấu ấn và có sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. “Cuộc thi năm 2022 có chủ đề “Khát vọng phát triển đất nước”. Cuộc thi này hướng đến thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước. Tôi muốn lứa tuổi học sinh, sinh viên với khát vọng, nội năng của tuổi trẻ, sẽ cùng đóng góp, khơi dậy giá trị văn hóa, chuẩn mực con người Việt Nam toàn diện”- ông Phạm Quốc Hùng chia sẻ.

Theo ông Lê Thanh Hiền- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Sở GD- ĐT phát động vòng sơ khảo cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Vĩnh Long năm 2022”. Thông qua cuộc thi nhằm khơi dậy niềm đam mê đọc sách đối với lứa tuổi thanh thiếu niên. Từ đó, khuyến khích và thúc đẩy phong trào đọc sách đối với thế hệ trẻ, một trong những yếu tố quan trọng góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng.

“Đại sứ Văn hóa đọc” không chỉ dừng lại là một cuộc thi mà còn là một sân chơi thú vị, bổ ích cho bạn đọc, đặc biệt là các em học sinh. Ở đó, các em thỏa sức thể hiện tình yêu, niềm đam mê với sách bằng nhiều cách khác nhau. Đó có thể là một bài thơ, một câu chuyện sáng tác nói lên tình yêu với sách. Có em viết cảm nhận về một cuốn sách mà các em đã được đọc, cũng có em chọn cách viết tiếp câu chuyện... Tất cả đều được các em thể hiện một cách rất trong sáng, hồn nhiên nhưng cũng hết sức trách nhiệm, thể hiện tình yêu với sách.

Em Phan Nguyễn Lan Tuyền- Trường THCS Cái Ngang (Tam Bình) bộc bạch: “Trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, văn hóa đọc đã trở thành công vụ quan trọng, đảm bảo cho mỗi người có khả năng tiếp cận lĩnh hội thông tin và tri thức mới. Do còn nhiều thiếu sót khiến cho việc đọc sách không mang lại hiệu quả, hay nhiều bạn chưa được hình thành thói quen đọc sách. Chính vì vậy, cần lắm mô hình nhằm khuyến khích đọc sách, đưa các bạn đọc đến gần hơn, tiếp cận với những kiến thức mới thiết thực trong đời sống chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng…”

Lan tỏa tình yêu đọc sách

Mong muốn các em học sinh, sinh viên quan tâm nhiều hơn đến việc đọc sách, cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về phương pháp đọc sách có hiệu quả và giới thiệu những cuốn sách hay đã làm thay đổi cuộc sống, làm thay đổi nhận thức của chính mình và hướng tới xây dựng một xã hội học tập, ông Lê Thanh Hiền khẳng định: “Trách nhiệm của chúng ta là phải xây dựng môi trường văn hóa đọc lành mạnh đáp ứng nhu cầu đọc trong cộng đồng, đặc biệt là dành cho đối tượng học sinh, thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước. Phải tạo mọi điều kiện để các em phát triển tư duy, khả năng, cùng nhau truyền cảm hứng về niềm say mê đọc sách”.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Bích- Phó Giám đốc Sở GD- ĐT tỉnh Vĩnh Long chia sẻ: “Phải làm sao để hình thành, nuôi dưỡng và tạo sự say mê để các em bước chân vào thư viện bởi khởi nguồn để hình thành văn hóa đọc của các em học sinh là vào thư viện. Khoảnh khắc mà chúng ta thuyết phục được các em bước qua bậc thềm dẫn vào thư viện chính là chúng ta thay đổi các em theo một cách tốt đẹp hơn”.

Ấn tượng với câu chuyện trong “Cho tôi một vé đi tuổi thơ” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, em Lê Trần Kim Cương- Trường THCS Lê Quí Đôn (TP Vĩnh Long) đã viết rằng: Trong mỗi người chúng ta, luôn có những câu chuyện đọc rồi sẽ quên. Nhưng song, cũng có không ít những câu chuyện, những quyển sách đã để lại ấn tượng khó phai, là tiền đề, là mục đích, lý tưởng và là bệ phóng hướng con người đến những chân trời, tương lai tươi mới. Mang đến một cái nhìn khác về cuộc sống hay chỉ đơn giản giúp chúng ta hiểu ra nhiều hơn về giá trị của bản thân và cách thay đổi những thói hư, tật xấu trong lối sống hàng ngày…

BTC trao giải nhất cho các thí sinh “Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Vĩnh Long năm 2022”.
BTC trao giải nhất cho các thí sinh “Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Vĩnh Long năm 2022”.

Văn hóa đọc ngày một lan tỏa từ thành thị đến vùng nông thôn. Những người yêu sách luôn muốn lan tỏa tình yêu đến với thế hệ trẻ, nhất là ở vùng nông thôn. Từ phong trào Tết sách của thầy Huỳnh Văn Thế (Mang Thít), đến cô giáo Trần Huỳnh Nhị (Long Hồ), với việc “lì xì” sách như thầy Trần Thanh Hiệp (Bình Minh)…

Khơi nguồn từ trường học, để mỗi thầy, trò là một đại sứ văn hóa đọc, cùng chung tay phát triển thói quen đọc sách để trở thành một nét đẹp văn hóa trong cuộc sống hiện đại, góp phần nâng cao dân trí, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập.

Sau hơn 3 tháng phát động, BTC Cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Vĩnh Long năm 2022” đã nhận được 882 bài dự thi của các thí sinh từ 33 trường tiểu học, 19 trường THCS, 12 trường THPT trên địa bàn tỉnh. BTC đã chọn ra 58 tác phẩm để trao giải nhất, nhì, ba, khuyến khích ở 8 chuyên đề cho từng cấp học. Đồng thời, trao 2 giải tập thể cho đơn vị có thí sinh đạt giải nhiều nhất. Bên cạnh đó, BTC cũng chọn ra 18 bài dự thi xuất sắc trong các bài đạt giải vòng sơ khảo gửi tham dự vòng chung kết tại Hà Nội.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ