Tản văn

Chái bếp với nỗi nhớ ngọt ngào

Cập nhật, 05:23, Thứ Bảy, 09/07/2022 (GMT+7)

 

(VLO) Sau khi đã lớn, đã trưởng thành, bắt đầu xa quê, nỗi nhớ cơm quê ngày càng nhiều và càng trân quý bữa cơm đầm ấm bên chái bếp. Chái bếp cứ mỗi chiều nhả từng con khói, những con khói chiều nhung nhớ lòng người đi xa.

Không ít người không cầm được lòng, cảm xúc tràn trong những câu chuyện buồn vui xa xôi qua những chương trình giới thiệu về món ăn, cách sinh hoạt vùng đất sông nước này và gửi gắm chút tình nơi quê nhà.

Nhớ chái bếp thấp lè tè, chái bếp với những chiếc lò được nặn bằng đất sét vậy mà mang lại bao món ăn ngon vùng sông nước.

Ngon ở tô canh chua bông súng cá bông lau phải đủ vị chua, cay, ngọt, mặn. Ơ cá bống dừa kho tiêu phải mặn quắt và không thể thiếu vị cay ngọt của tiêu.

Miếng bánh chuối phải đủ độ béo của nước cốt dừa,… Nói đến món ăn phải nói đến độ mặn quéo, béo ngậy, chua lè, cay xè, ngọt ngay…

Vậy ăn mới đã! Và không ăn thử, phải ăn “đủ đô” mới chịu à nghen. Ăn uống như một nghệ thuật ứng xử văn hóa với vùng đất mặn mòi phù sa châu thổ với những món gắn liền với cá đồng- rau dại. Để rồi ai đi cũng nhớ, ai ghé cũng mến, cũng yêu.

Nhớ với những người dân hào phóng và “chịu chơi”. Những người dân chịu chơi thứ thiệt nhịn bụng để đãi khách.

Nhớ câu chuyện thời khó của bác Hai Đời hàng xóm, chỉ có con gà đang ấp trên ổ, bạn của con ghé nhà, ông già bắt gà mái nấu cháo, luộc ổ trứng đãi bạn của con. Cuộc sống dẫu còn nhiều khó khăn nhưng cái tình cái nghĩa tràn đầy.

Thật lòng nhớ cả những chi tiết cỏn con với chiếc lọp, cái miệng chài,… được treo bên hiên nhà. Nhớ những đêm chài tép bạc, bao con mắt đỏ li ti trong miệng chài thấy mà mắc ham. Những hôm đi đặt lọp những chú cá bống dừa đen bóng nhảy nhảy loi xoi.

Rồi nữa, cái sự nhớ nó xuất hiện tiếp tục, à mà lạ thật, chẳng riêng một ai, nhắc đến cơm nhà thì người ta kể ngay món ngon của vùng đất mình đang sinh sống, món ngon nhà mình, món ngon mình thích, mình ưa. Nhớ những cơn mưa làm người ta nhớ quay quắt món măng hầm thịt.

Món ăn sang của thời khó. Nhắc mà thèm quá đi! Những cơn mưa rớt hạt, những mục măng từ dưới đất chồi lên “ú na ú nần”.

Người sành ăn măng họ không luộc bỏ nước, vị đăng đắng của măng mới ngon. Phải biết lựa măng mà xắn, những mục măng treo ăn mất ngon. Nhớ món ăn quê như thể nhớ quê nhà, những món ăn thường nhật trở thành nỗi nhớ khôn nguôi. Kể hoài cũng không hết và không thấy chán mà cảm thấy “đã đời”!

Ở bất cứ nơi đâu dù xa xôi cũng nhớ đến những món cơm quê nhà. Người ta buôn một tiếng thở dài để than, để thở cho cuộc sống nên mới xa quê. Vì cuộc sống họ bắt buộc xa quê, vì chuyện học, chuyện làm, chuyện tương lai của con của cái. Cho nên chỉ biết thốt “nhớ quê quá đi thôi”.

Đâu đây bỗng dịu dàng ngâm nga những câu thơ của Đỗ Trung Quân: “Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nỗi thành người…”

Bài, ảnh: MAI KHA