Tạp bút

Tìm hiểu thiên nhiên qua tác phẩm kinh điển

Cập nhật, 05:44, Thứ Bảy, 02/07/2022 (GMT+7)

 

Với “Côn trùng ký”, bé không chỉ bị lôi cuốn trong những câu chuyện mà còn những hình ảnh minh họa rất sinh động.
Với “Côn trùng ký”, bé không chỉ bị lôi cuốn trong những câu chuyện mà còn những hình ảnh minh họa rất sinh động.

(VLO) Nghỉ hè, bé học khám phá thiên nhiên, có những điều tò mò bé liền hỏi mẹ. Tuổi thơ mẹ gắn với sợi tơ nhện giăng giăng ngoài bụi khóm. Mẹ biết ở cuối bụng nhện cho ra những sợi tơ mảnh chồng chéo đan xen để “giăng lưới bắt mồi”.

Tuổi thơ mẹ gắn với ánh sáng của đom đóm đèn, loài sinh vật nhỏ bé có cái bụng phát ra ánh sáng lập lòe, bắt chúng bỏ vào cái ly nhỏ để làm đèn.

Tuổi thơ mẹ gắn với những chiều ngồi trên bờ đê ngắm những “hình thù kỳ bí” từ những áng mây tạo thành. Nhưng để trả lời những câu hỏi của con thật không dễ, như câu “Mẹ ơi, đom đóm đèn ăn gì để sống?”, “Mẹ ơi, ve kêu tối ngày vậy ve có uống nước không?”…

À, mẹ liền nghĩ ra một kho tàng kiến thức phong phú, lấy trên kệ sách với tác phẩm được xem là kinh điển “Côn trùng ký” của nhà sinh học nổi tiếng người Pháp- Jean Henri Fabre, dùng những câu chữ tràn đầy tình yêu thương để xây dựng nên một thế giới côn trùng đa dạng sắc màu.

Những loài côn trùng rất đổi thân quen được tái hiện một cách sinh động với những thói quen sinh hoạt, tập tính sinh tồn, quá trình trưởng thành hết sức độc đáo, mang đậm sắc màu thần bí, tràn đầy sức sống và trí tuệ.

Mẹ cùng con khám phá ở “Bờ ao thần bí”, với các loại côn trùng như bọ ngựa, châu chấu, dế, ve, đom đóm, bọ hung, kiến lửa… À “bạn đừng để hình dáng bé nhỏ yếu đuối, sắc màu đẹp đẽ của đom đóm đánh lừa.

Chúng chính là loài động vật ăn thịt chính hiệu. Hơn nữa, cách bắt mồi của chúng cũng rất độc đáo, thậm chí có phần độc ác.

Con mồi của đom đóm phần lớn là loài ốc sên to bằng quả anh đào”. Mỗi một trang sách mang lại nhiều điều “kỳ bí”, ve sầu “uống nước” bằng “chiếc vòi nhọn như mũi dùi, đâm vào lớp vỏ cây mềm, hút lấy dòng nhựa bên trong”.

Biết được “kiến lửa không hề có trực giác chỉ đường giống như một số côn trùng cánh màng như loài ong đá.

Chúng chỉ nhờ vào thị lực và trí nhớ để tìm đường về nhà, và vì thế phải trở về đúng theo con đường ban đầu”. Và “nhện phát hiện ra con mồi không phải bằng mắt, mà là căn cứ vào sự rung động của tấm mạng”…

Tác phẩm với hàm lượng kiến thức phong phú và vẻ đẹp văn chương, đã gây ảnh hưởng sâu rộng đến rất nhiều nhà khoa học, nhà văn và vô vàn độc giả. Tác phẩm đã được vào danh sách 200 tác phẩm kinh điển có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến lứa tuổi thiếu niên.

Đối với con, tác phẩm có tác dụng tích cực trong việc bồi đắp vẻ đẹp tâm hồn và trí tuệ, hướng dẫn cách quan sát, biết yêu thiên nhiên.

Tác phẩm kinh điển lại cho tôi “một vé về lại tuổi thơ” và còn đó với thiên nhiên bao la, muôn màu. Tại cuộc sống hối hả, bộn bề lo toan nên tôi đã bỏ qua những giây phút ngắm nhìn cuộc sống sinh động của những loài côn trùng một thời gắn bó.

Để hôm nay đọc quyển sách cùng con và tặng những giây phút riêng, đây những cánh bướm chập chờn bên chậu hoa trước nhà. Nhớ cánh con chuồn chuồn trâu, nhớ sự hồn nhiên quá đỗi. Nhớ những ngày bắt chúng cho cắn vào rốn để mau biết lội.

Giờ cánh chuồn chuồn vẫn bay chấp chới, thò tay bắt cho con, con chuồn chuồn đang đậu trên nhánh cây khô… Dạy cho con ngắm nhìn những áng mây với những hình kỳ thú. Con hồn nhiên vô tư hỏi mẹ những câu non nớt. Khi lớn lên, tuổi thơ với ký ức ngọt ngào con nhé.

Bài, ảnh: VIỆT THẮNG