Chuyện xưa

Đọc thơ Đồ Chiểu nhớ "Ông già Ba Tri"

Cập nhật, 12:09, Thứ Bảy, 09/07/2022 (GMT+7)

(VLO) Ở Bến Tre có những điển tích là cụm từ xuất phát từ tên một người hay thái độ của nhân vật trong một tác phẩm văn học đã phổ biến trong dân gian Nam Bộ rộng rãi đến nổi chúng có ý nghĩa như những thành ngữ nói về đạo lý sống của con người, điển hình như: “Thấy chuyện bất bình chẳng tha”, “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm.

Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” trong tác phẩm Lục Vân Tiên của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu hay “Ông già Ba Tri” trong chuyện dân gian truyền miệng…

Trong bài viết này, nhân dịp UNESCO ra nghị quyết vinh danh nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu cùng với những giá trị tư tưởng, nhân văn, giáo dục, y học mang tầm nhân loại của ông, người viết xin chỉ đề cặp về những chuyện quanh điển tích “Ông già Ba Tri” mà tư tưởng “Thấy chuyện bất bình chẳng tha” của cụ từ lâu đã vượt khỏi địa giới của tỉnh Bến Tre.

Nếu một “Lục Vân Tiên” là biểu tượng của một con người “thấy chuyện bất bình chẳng tha”, thì thành ngữ “Ông già Ba Tri” được đưa vào “Tự điển tiếng Việt” của hai tác giả Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ với lời chú giải là: Ông già quắc thước, can đảm, có công sửa làng, giúp nước, lập chợ, mở đường.

Trong dân gian “Ông già Ba Tri” được hiểu rất rộng để ca ngợi mẫu người cương trực, tôn trọng sự thật, dám đấu tranh cho lẽ phải của các cụ già bất kể các trở ngại của tuổi tác không riêng gì ở Ba Tri mà ở khắp đồng bằng Nam Bộ.

Câu chuyện của ông gắn liền với các hoạt động của thời kỳ cha ông ta khai hoang lập làng ở ven biển bên cửa sông Hàm Luông.

Và do là một câu chuyện kể nên có người thêm thắt một số chi tiết để câu chuyện thêm sinh động, đó là nguyên nhân tạo nên các dị bản về chuyện “Ông già Ba Tri”, nhưng nhìn chung tình tiết câu chuyện vẫn giống nhau.

Theo quyển Monographie de province de Ben Tre (Chuyên khảo tỉnh Bến Tre) do người Pháp biên soạn năm 1929 và quyển Kiến Hòa xưa và nay của Huỳnh Minh (1965) khi nhắc đến “Ông già Ba Tri” chỉ nói về một ông lão không xác định.

Nhưng trong quyển Tỉnh Bến Tre trong lịch sử Việt Nam (từ 1757- 1954) của tác giả Nguyễn Duy Oanh (1971) thì “Ông già Ba Tri” có tên họ và xuất thân rõ ràng.

Theo tác giả Nguyễn Duy Oanh, “Ông già Ba Tri” tên thật là Thái Hữu Kiểm (Cả Kiểm), sống vào thời kỳ vua Minh Mạng vừa lên ngôi (đầu thế kỷ 19). Ông có ông bà gốc người Quảng Ngãi di dân vào Nam, dòng họ của ông hiện còn có người sinh sống tại xã An Đức (Ba Tri, Bến Tre).

Chuyện bắt đầu khi ông Kiểm xây dựng chợ Trong bên con rạch Ba Tri, giúp cho người dân tại chỗ có nơi trao đổi hàng hóa mở mang sản xuất.

Khi đó, ông Xã Hạc ở chợ Ngoài chơi ép, cho đắp một con đập ngang con rạch Ba Tri làm xuồng ghe từ sông Hàm Luông không ra vào được chợ Trong.

Mâu thuẫn đó hai bên không thương lượng được, ông Kiểm bất bình đại diện cho dân quanh chợ Trong kiện vụ này lên quan huyện rồi quan phủ ở Vĩnh Long (lúc ấy vùng đất này thuộc Vĩnh Long). Nhưng các quan đều xử ông Kiểm thua với lập luận “mỗi làng đều có quyền đắp đập trong địa phận mình”.

Không đồng ý với quyết định phân xử đó, dân làng góp tiền để ông Kiểm và hai cụ già khác là Nguyễn Văn Tới và Lê Văn Lợi mang đơn ra triều đình Huế tiếp tục thưa kiện.

Thời ấy đường ra Huế chỉ có 2 con đường, một là đường biển thì phải đợi gió mùa thuận mới đi thuyền buồm được, đó là chưa kể bao nguy hiểm từ sóng to, bảo bùng.

Con đường còn lại là đường bộ dài hơn 1.000km nguy hiểm không kém với nhiều sông lớn, đèo dốc, cướp bóc và thú dữ chực chờ. Không thể đợi đến lúc có gió mùa các cụ quyết định lội bộ ra Huế.

Trải qua bao vất vả rồi các cụ cũng đến Huế, may mắn là họ được Vua Minh Mạng cho tiếp kiến để trình bày lý lẽ và xử cho dẹp bỏ con đập với lý do là con rạch là đường giao thông chung cho cả chợ Trong và chợ Ngoài. Sau lần đó, người dân gọi Cả Kiểm là “Ông già Ba Tri”.

Dần dần cụm từ “Ông già Ba Tri” để chỉ đức tính cao đẹp của người cao tuổi về một đạo lý sống của nhân dân ở vùng đất vốn có truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất đối với các tiêu cực trong xã hội.

HỒNG VÂN- st