Truyện ngắn

Ai cũng thích việc nhẹ nhàng?

Cập nhật, 12:11, Thứ Bảy, 09/07/2022 (GMT+7)

 

Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

(VLO) Duyên nắm lai áo kéo lại, mắt ngân ngấn nước, giọng lạc hẳn, cố cản.

- Anh Tám Đức, anh đừng lên. Ban giám đốc đang họp chuyện quan trọng, không cho anh vào đâu. Anh mà lên, người ta nói anh khùng. Anh Đức, nghe lời em đi, đừng lên mà anh. Người ta nói anh ba trợn, ba trạo em buồn lắm.

Tôi đứng đó. Tôi biết Duyên không thể cản nổi. Tôi muốn biểu cô buông ra, cho hắn làm, để người ta gọi hắn là thằng khùng, thằng điên kệ hắn. Vì tôi đang đau lòng cho cả hai, tôi thương hắn, tôi mến Duyên.

Trì kéo mãi, vạt áo bỗng rách toẹt một đường dài. Duyên lo sợ buông ra. Chờ có thế, Tám Đức sửa vạt áo lừng lững đi lên phòng họp.

Tôi dân miền Bắc, hắn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tôi thích tánh hay phiêu lưu đầy lãng mạn của hắn. Hắn mến tôi qua những tài vặt như biết thổi sáo và chơi được ghi ta, chuyện tình thầm kín giữa hắn và Duyên chỉ có mình tôi biết, chuyện tình kỳ lạ lắm, tôi kể sau.

Duyên cản không được chắc buồn nên xớ rớ mãi ở phòng ăn. Tôi an ủi.

- Kệ hắn mà Duyên, chết chóc gì mà buồn, khi nào hắn bị đuổi ra khỏi phòng họp, chừng đó tụi mình chửi, hắn mới nghe. Tôi là bạn, hiểu hắn rõ lắm.

Hai đứa đang an dưỡng ở Bệnh viện D72, gần trường huấn luyện quân y miền Nam, trường gần cầu Bổ Túc đường lên sân bay Thiện Ngôn, được che chở bởi những cánh rừng già miền Đông. Những lúc nhàn rỗi, tôi, hắn và Duyên ra rừng tìm trái ăn cho vui. Rừng ở đây toàn cây gỗ quý như giáng hương, căm xe, thao lao và cà chắc. Ngoài ra có đủ thứ trái, ngon nhất là trái gùi vị ngọt có mùi la de, còn trái sầm chua chua, trái trường chát chát ngòn ngọt, tệ nhất là trái vú bò, trái cò ke còn gọi là trái xạo ke- hơi ngọt, toàn xơ, ngậm chơi đỡ buồn. Thường hắn xưng mình là Tề Thiên để được bám dây gùi leo lên cao hái trái, rồi liệng xuống cho tôi và Duyên ăn.

Duyên nhóng theo để coi hắn vào phòng họp chưa. Tôi nói.

- Kệ hắn, Duyên chưa biết? Hắn đã quyết là bằng mọi cách làm cho được mới thôi.

Duyên ngân ngấn nước mắt trở vào bếp. Tôi cũng bực, kệ mầy, chừng nào bị đuổi cho biết nhục. Tôi bỏ ra rừng.

Nói gì thì nói, ở trại, tôi thân hắn nhất. Mấy ngày đầu đến, chưa quen ai, buồn tôi lang thang một mình ra rừng, thấy một người lùn lùn, da nâu, tướng chắc nịch lãng vãng quanh mấy ổ mối cao tới cổ. Cảnh giác tôi theo dõi, thấy người đó lấy nhánh cây bằng bắp tay, thọc hoài dưới ổ mối rộng cỡ cái mã, rồi lấy ống quẹt đưa vào đốt lòng gò mối. Thấy lạ, tôi hỏi, hắn nói đốt cho rỗng ruột, xong lấy cây bắc ngang làm cầu tiêu, sau này lấy cuốc ban ra trồng rau tốt lắm. Tôi hỏi tiếp, anh tính ở đây luôn, sao làm vậy?- Hắn nói.

- Tôi an dưỡng vài tháng rồi trở lại đơn vị. Tôi làm cho những người đến sau, ở đây rau hiếm lắm. - Rồi hắn buông nhánh cây, quay lại hỏi:

- Còn anh ở chỗ tập kết mới đến hả. Là dân an dưỡng, cán bộ, mật giao hay là giao liên?

Ở đây, giữa lòng rừng miền Đông mịt mù cây lá, mưa dầm vây cả tháng, quanh năm sống dưới âm u, lá rừng giăng màn. Bao nhiêu lời như trên là đủ thấu tình rồi, đã ấm lòng nơi quạnh vắng.

Thế, hai đứa kết nghĩa anh em. Hắn anh, tôi nhỏ làm em. Tình bạn tôi và hắn không bằng mối tình của hắn và Duyên, kỳ lắm, họ yêu nhau từ những hạt bắp đá. Sống ở đây được hai tháng, đồ ăn thức uống hiếm lắm, phải chờ trại bí lò gò xóm giữa, chờ dân nuốt sạn đem vào được bao nhiêu, ăn bấy nhiêu. Chiến tranh mà.

Bắp đá hột bằng ngón tay út, Duyên nấu 14 tiếng đồng hồ mà hột chưa chịu mở miệng, thời đó chúng tôi phải nuốt chúng thay cơm, nuốt vào cho no bụng, khi đi ngoài còn y nguyên vỏ, ruột mất tiêu, ruột biến thành máu thịt. Ăn riết bắp đá, chúng tôi chỉ cần thấy một nắm gạo thì đã lắm rồi, nói chi cơm trắng. Thèm lắm.

Lúc đó Duyên phụ trách nấu cơm nhà ăn. Thèm cơm quá, thường sau bữa cơm bắp đá, Tám Đức rủ tôi ra phía sau nhà ăn chơi. Bỗng hắn khều tôi, chỉ vào cái chảo đụng, một về cơm cháy nổi lều phều trong đó, Tám Đức nuốt nước miếng nói cho tôi biết về cơm cháy đó là của mấy cô phụ trách nấu cơm, cơm trắng phần nhiều dành cho khách quý của bệnh viện. Tôi kêu hắn đi lên, hắn nói: “Để anh nhìn chút nữa cho đã thèm”. Tôi làm bộ kéo hắn nhưng cũng thèm đến chảy nước miếng.

Sau này, tôi, hắn và Duyên thân nhau. Hắn kể lại: Đêm đó, cỡ mười giờ hắn trăn trở hoài chưa chịu ngủ, bắt đầu rên nhỏ, tôi thật tình hỏi “bộ anh bệnh hả”, hắn trả lời bụng anh rêm quá. Anh ra cầu ổ mối một chút. Tám Đức ngồi dậy rồi rủ Tưởng đi theo.

Con trăng mười hai uốn vòng cung tươi rói trên bầu trời đầy sao nhấp nháy, đang rót ánh sáng bàng bạc xuống vuông trảng, nhỏ xíu. Ra trảng, Tám Đức rỉ tai thằng Tưởng, tao mầy đi ăn cắp cơm cháy, ăn cho thơm râu chơi. Tưởng nghe rủ đi liền. Trở lại đường rừng, trời tối như mực hai thằng rị mọ chút sau tới được cửa nhà ăn. Hắn biểu thằng Tưởng canh cửa, Tưởng đồng ý còn dặn lại, lấy được nhớ vắt cho ráo bỏ vào túi cho tôi một nắm. Tám Đức đã để ý vào nhà bếp, chút sau hắn tới cái chảo lá sen, thò tay vào bốc một nắm đang vắt ráo cho Tưởng, không ngờ đụng cái xẻng xúc cơm, ngã xuống nền khua lạch cạch. Bỗng ánh đèn pin rọi sáng rực. Bị bắt tại trận, hắn nằm chịu. Thấy hắn rồi, ánh đèn pin chợt tắt, rồi tiếng cô Duyên hỏi nhỏ, anh đói lắm hả. Hắn thều thào.

- Tôi thèm cơm quá, cô ơi.

Cô Duyên dặn nhỏ, nằm đó chờ tôi một chút. Chút sau, Duyên rút cho hắn một nón gạo và một hộp thịt, rồi Duyên dặn, lần sau có thèm nói em, em nhín để dành cho. Lấy cắp lỡ gặp mấy chị khác rắc rối lắm.

Quên cảm ơn Duyên, Tám Đức trở lại cửa, lần này không bò mà hắn lom khom đi lẹ ra. Thằng Tưởng canh cửa, khi thấy ánh đèn pin nhá ở nhà bếp, nó chạy về trại mất tiêu. Đêm đó, hắn nấu cơm và chia một đứa một vắt nhỏ, ăn cho thỏa ước mơ lâu nay. Cũng từ ngày đó bắt đầu một tình yêu, Duyên thường khoe tôi, tụi em quen nhau nhờ về cơm cháy anh à.

***

Hiệp định Paris chuẩn bị ký, bệnh viện đang đóng cạnh sông Cây Dầu chảy ra vàm trảng Trâu, được chỉ thị chuyển về Ấp 1, xã Hòa Hiệp, Tây Ninh.

Ban giám đốc và cán bộ cốt cán họp khẩn, bàn rốt ráo cả buổi mà chưa có ai đề cách chuyển về được. Cuộc họp đang căng thẳng, vì chưa có kế hoạch chuyển an toàn, phù hợp thời gian cho phép. Nãy giờ Tám Đức núp ngoài vách, giờ hắn đi lòn cửa sau, rồi đi lên giữa phòng họp, đứng đó và đưa tay lên nói.

- Xin mấy anh cho em có ý kiến.

Cả phòng họp quay lại. Vì họp quá lâu, không có lối thoát nên mọi người cần giây phút thoải mái, hắn đến đúng lúc, những trận cười vui vẻ nở bung ra, có vài tiếng xì xào “nó bệnh tâm thần, ba trợn đó”.

Tư da xanh giám đốc bệnh viện cùng phó là bà Sáu Vân đang chủ tọa phiên họp. Anh hơi bực, nhìn bà Sáu Vân để trấn tĩnh, vì cuộc họp bị hắn phá ngang. Tư da xanh nhìn hắn, hỏi lớn.

- Ai cho anh vào đây? Vào để chi?

- Thưa anh, tôi vào để có ý kiến.

- Anh có ý kiến gì?

- Thưa ý kiến, chuyển bệnh viện về nơi an toàn, thời hạn đúng mười ba ngày.

Tư da xanh nghe anh nói đàng hoàng, nén lòng hỏi tiếp.

- Sao anh biết thời gian mười ba ngày?

- Tôi đứng ngoài nghe lén, nãy giờ mấy tiếng đồng hồ rồi.

Bà Sáu Vân hỏi vặn.

- Lấy gì làm chắc?

- Dạ, chắc. Phần thương binh đang nằm viện tôi không chuyển được, phần đó mấy đồng chí lo. Tôi chuyển cơ sở vật chất cả đồ dùng của bệnh viện về điểm mới trong mười ba ngày. Tôi lấy danh dự người lính, bộ đội Cụ Hồ xin hứa, làm rất an toàn. Rất chắc.

Nghe vậy, Tư da xanh hỏi tiếp.

- Đồng chí tên gì, thương binh hay an dưỡng. Việc đồng chí hứa cần bao nhiêu người trợ giúp.

- Tôi tên Nguyễn Hồng Đức, đang an dưỡng trại 4. Chuyển bệnh viện mấy ngày đầu cần có độ mười người phụ. Còn mấy ngày sau, một mình tôi lo được.

Tư da xanh nhìn hắn trân trân, rồi nhìn toàn thể cuộc họp nói.

- Cuộc họp chúng ta đến đây kết thúc. Riêng đồng chí Hồng Đức về trại an dưỡng nghỉ trưa. Lát nữa, tôi với chị Sáu tìm đồng chí.

Khi ra về, loáng thoáng có tiếng xì xầm râm ran, bàn tán vui vẻ, nó là thằng ba trợn, ba trạo đó, giao cho nó sao được? Ban giám đốc không giao cho nó đâu? Có tiếng vặn lại, không giao nó thì giao cho mầy, mầy dám nhận không?

Ba ngày đầu, hắn cùng mười người nữa vô sóc Cây Dầu xin tre máng xối, đốn về thật nhiều, đoạn khúc, lấy dây thừng bện lại làm bè; bệnh viện dỡ căn nào đem xuống căn nấy, cột dài để dưới, cụt để trên, vật dụng để giữa. Đến ngày thứ ba, trại và vật dụng xuống bè hết. Tư da xanh, bà Sáu Vân cực lực với hắn từ giây phút đầu. Hai người vỗ vai hắn nói.

- Bây giờ sắp khởi hành, đồng chí Tám Đức có cần gì thêm không?

- Xin đồng chí giám đốc, cho tôi một ký thịt muối, bốn ký gạo và muối. Bè tới đâu, nấu ăn tới đó. Và một khẩu AK để phòng thân. Tôi thả bè xuôi dòng sông Cây Dầu chảy ra vàm trảng Trâu mất độ mười hai ngày, nếu không gặp rắc rối, thì ngày 13, bè tới Ấp 1, xã Hòa Hiệp, Tây Ninh. Tới đó tôi la lên, các đồng chí đón tôi và kéo bệnh viện lên.

Giờ khởi hành.

Tôi và Duyên ra tận bến sông đưa tiễn. Mắt Duyên ngân ngấn nước hoài, đứng cạnh tôi cứ trách, người gì khùng không ra khùng, điên không ra điên. Cứ chọn việc khó ôm hoài. Tôi nói thiệt với anh, kỳ này ảnh về tôi không thèm thương ảnh nữa.

Khi bè ra giữa sông, bắt đầu xuôi dòng con nước. Khi thấy hắn ngồi vắt vẻo vênh vênh thọt lỏm giữa cái bè lớn, trông hắn thật cô đơn, thật tội nghiệp.

Hai chúng tôi đứng trên bến, ngóng theo mãi. Độ 10 phút, bè khuất rặng mây rừng mất bóng. Bỗng Duyên sụp xuống khóc nức nở. Còn tôi xớ rớ bên cạnh, không nói được lời nào. Tự nhiên tôi bỏ bến sông, chạy như điên về trại, xách cây đàn và ống sáo và vọt đường rừng, theo bè.

Thấy tôi chạy, Duyên chạy theo hỏi.

- Anh Nhật Tiến, anh chạy đi đâu vậy?

- Tôi theo anh Tám Đức. Duyên về trại đi, chờ chúng tôi ở bệnh viện mới.

Bè trôi chừng 500m, thì tôi leo lên bè. Thấy tôi hắn vui lắm. Bè trôi đến cây cầu sắt Cây Dầu, cây cầu đã sập nằm ngáng nửa sông, bắt buộc tôi và hắn nhảy xuống, đẩy bè tránh cầu. Qua khỏi cầu, đường sông suông sẻ hơn. Y như sự tính toán của hắn, đến ngày mười hai, bè chúng tôi tới vàm trảng Trâu, lòng sông Cây Dầu đến đây chảy ra hai ngã, một về Tây Ninh, một về gò xóm Giữa.

Gần tám giờ tối, anh em tôi ăn cơm chiều rồi. Lòng hai đứa cũng mừng vì biết sắp tới Ấp 1, xã Hòa Hiệp, bây giờ chắc mấy anh trên bộ làm nền bệnh viện mới xong rồi.

Đêm thứ mười ba, con trăng mười hai thơ thẩn uốn cong miếng cơm dừa trắng ngần, giữa trời sao lóng lánh. Anh em tôi ở mãi trong rừng, không bao giờ thấy được trọn một bầu trời, thấy được một con trăng nguyên vẹn đẹp và nên thơ như vậy.

Cùng một lúc, hai đứa chợt thấy nước sông Cây Dầu dưới trăng bỗng xanh như tàu lá chuối và những lá mây lẫn lá song phủ kín hai bờ sông; lá mây lá song dưới sông dài hơn và nó ken đầy lòng sông.

Cảnh đẹp ghê gớm, quá hứng khởi tôi vần cây sáo trên môi, thổi bài “anh vẫn hành quân”; tiếng sáo vi vút tỏa ra đưa vầng trăng lên cao, lòng sông hình như xanh hơn, lá mây lá song thẩm đậm hơn.

Đang mê mẩn trong cảnh thần tiên, Tám Đức nghe tiếng lịch kịch trong bờ, anh không nói với tôi, để tôi thả hồn cho trọn bài nhạc… Còn anh lội xuống đeo bè chuẩn bị chiến đấu, từ bờ sông có một chiếc xuồng đâm ra, trên xuồng lấp lánh bốn chiếc nón tai bèo.

Đó là đơn vị của mình đóng trong rừng hay là Tư da xanh bố trí du kích ém quân để hỗ trợ bè? Dù lực lượng nào cũng được vì bốn nón tai bèo ngưỡng mộ tiếng sáo réo rắt nên bơi xuồng ra để nghe.

Tới đây bè chảy chậm lắm, bè đã ngấm nước, còn một ngày nữa là đến ngày thứ mười ba. Hắn và tôi lội xuống, hai người kè vai đẩy bè mau tới chỗ đến.

Ngày thứ mười ba, bè ngấm nước nặng, nếu thêm ngày nữa bè chìm mất y như sự tính toán. Tám Đức trèo lên bè bắt đầu la lớn như giao hẹn.

Cán bộ và Tư da xanh chạy xuống thấy bè, reo hò tở mở. Và, vụt dây kéo bè vào, từ từ chuyển bệnh viện lên bờ.

Những dòng cuối của cái truyện ngắn này, tôi muốn dành riêng cho hắn. Anh bạn khùng không ra khùng, điên không ra điên, của tôi và Duyên. Không biết bây giờ anh ở đâu? Hy vọng anh đọc được mấy dòng này để anh nhớ mãi những ngày ăn bắp đá và thèm quá một về cơm cháy.

Sau này tôi được biết, mối tình trong sáng như trăng mười hai ngày nào, giữa anh và Duyên không thành. Bởi vì sau ngày đại thắng, vào ngày 7/5/1975, tại cổng căn cứ trại Nguyễn Tri Phương, Quận 10, Duyên vẫn phụ trách nấu cơm cho bộ đội về tiếp thu TP Hồ Chí Minh, nấu trên đạn cối lép, bị đạn nổ cô chết với cái xẻng và cái chảo lá sen.

Anh Đức thân mến, nếu anh đọc được những dòng này, xin anh đừng buồn, bây giờ em lấy sáo ra thổi bài “Anh vẫn hành quân” cho anh nghe, nha anh.

PHẠM TRUNG KHÂU