Những dự báo kém vui và vài hy vọng về thời tiết

Cập nhật, 05:25, Thứ Bảy, 20/04/2024 (GMT+7)

Nắng chẳng những nóng mà còn nóng gay gắt, nóng kéo dài và hơn 100 ngày Nam Bộ trải qua đợt nắng lịch sử mà chẳng thấy… giọt mưa trái mùa nào giảm bớt sự bức bối, khô khát cây cỏ, con người. Càng nóng, người dân càng ngóng mưa, hóng thông tin dự báo thời tiết, thông tin từ các chuyên gia khí tượng thủy văn, nhưng toàn nghe những dự báo kém vui.

Mấy ngày nay, Vĩnh Long có vài đám mây nhỏ tạm che khuất mặt trời thoáng chốc, gần giống như trời chuyển mưa, nhưng rồi mặt trời lại xuất hiện chói chang, gay gắt dù trời đang còn trong buổi sáng sớm. Lại có buổi trưa trời đang chang chang như đổ lửa lại nghe lắc rắc trên mái nhà, rõ ràng là có mấy hột mưa và chỉ có mấy hột thôi, trời lại nắng nóng như người ta bắt cái chỏ lên ràng vậy.

Thông tin dự báo phải đến tận nửa tháng 5 mới có mưa, chắc chắn từ đây tới đó Nam Bộ sẽ chịu rất nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng mà trước mắt là hạn kèm theo mặn được biết đã vượt mức kỷ lục năm 2016.

Có mấy dòng thông tin nhỏ của chuyên gia khí thượng thủy văn ThS Lê Thị Xuân Lan, phần nào thắp lên hy vọng cho địa phương mình, là sau nhiều ngày nắng nóng gay gắt liên tiếp, lượng nước bốc hơi nhiều khiến độ ẩm trong không khí đang tăng lên. Ảnh mây vệ tinh cho thấy bắt đầu có những đám mây kéo tới từ phía Tây Nam và gió cũng bắt đầu chuyển hướng, nhưng còn nhẹ và chưa đều.

Từ nay đến 21/4, sẽ có mưa giông ở một số nơi với lượng nhỏ, diện hẹp. Những nơi có khả năng mưa cao như: Phú Quốc, An Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, TP Hồ Chí Minh. Một số nơi ở Tây Nguyên có thể mưa cục bộ. Vì lượng mưa nhỏ và diện hẹp nên chưa thể giải nhiệt được mà còn làm cho không khí càng oi bức khó chịu hơn. Như vậy, ngoài việc mùa mưa chính thức bắt đầu muộn màng, thì sẽ có mưa trong cuối tháng 4 này ở một số địa phương khu vực ĐBSCL.

Cũng theo chuyên gia ThS Lê Thị Xuân Lan, kèm theo cảnh báo một số diễn biến cực đoan của thời tiết năm nay: “Do mùa mưa bắt đầu cùng với chu kỳ La Nina nên năm nay lượng mưa sẽ khá dồi dào, số cơn bão/áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên Biển Đông cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta có thể nhiều hơn trung bình các năm khoảng 2 cơn. Tuy nhiên, vấn đề trước mắt là từ nay đến khi mùa mưa bắt đầu, Nam Bộ bước vào giai đoạn chuyển mùa nên thường xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như: giông, lốc xoáy, sét, mưa đá… vào chiều và tối; người dân cần hết sức đề phòng để tránh thiệt hại”.

NGỌC TRẢNG