Thêm nỗi lo từ kênh đào Funan Techo

Cập nhật, 05:07, Thứ Bảy, 13/04/2024 (GMT+7)

Sau những con đập giữ nước từ thượng nguồn, giờ sông Mekong tiếp tục bị “xẻ thịt” bằng những con kênh đào. Cụ thể sau Thái Lan, giờ là con kênh đào Funan Techo (còn gọi là kênh đào Phù Nam), có kinh phí khoảng 1,7 tỷ USD, do công ty Trung Quốc xây dựng- vận hành- chuyển giao.

Kênh đào Funan Techo dự kiến dài 180km, rộng 100m, sâu 5,4m nối cảng sông Phnom Penh với vịnh Thái Lan ở Tây Nam Campuchia, đi qua các tỉnh: Kandal, Takeo, Kampot và Kep. Theo tài liệu Campuchia trình lên Ủy hội Sông Mekong tháng 8/2023, kênh Funan Techo sẽ bắt đầu hoạt động từ năm 2028. Sẽ thật khó tin nếu cho rằng con kênh đào “khủng” này hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến hệ sinh thái dòng chảy sông Mekong; đặc biệt, sẽ không tin được nếu cho rằng nó chẳng ảnh hưởng gì đến toàn bộ khu vực ĐBSCL.

Việt Nam đã chính thức đề nghị Campuchia chia sẻ thông tin, đánh giá tác động của dự án kênh đào Funan Techo với tài nguyên nước và môi trường sinh thái khu vực ĐBSCL. “Việt Nam ủng hộ nhu cầu phát triển kinh tế quốc nội của các quốc gia ven sông Mekong, đồng thời coi trọng việc tăng cường hợp tác nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mekong”, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt cho biết trong họp báo ngày 11/4, khi được hỏi về kế hoạch xây dựng kênh đào Funan Techo của Campuchia.

Ông Đoàn Khắc Việt, cho biết: “Việt Nam rất quan tâm đến dự án kênh Funan Techo và đã đề nghị phía Campuchia phối hợp chặt chẽ với Việt Nam, Ủy hội Sông Mekong và quốc tế trong chia sẻ thông tin, đánh giá tác động của công trình đối với tài nguyên nước, môi trường sinh thái của khu vực ĐBSCL nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông và người dân sống trong khu vực”. Theo ông, việc sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mekong sẽ phục vụ cho sự phát triển bền vững của lưu vực, lợi ích của cộng đồng dân cư ven lưu vực, tương lai của các thế hệ mai sau và tình đoàn kết gắn bó giữa các nước ven sông.

Với các con đập thủy điện thì việc giữ nước có định lượng, có hạn kỳ; nhưng với con kênh khi đã đi vào vận hành nguồn nước sông Mekong sẽ phải “thất thoát” một cách thường trực và vĩnh viễn. Nước về hạ nguồn chắc chắn sẽ vơi đi rất nhiều và đương nhiên, ĐBSCL sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dự án này.

NGỌC TRẢNG