"Sống chung với hạn mặn", được không?

Cập nhật, 03:12, Thứ Sáu, 05/04/2024 (GMT+7)
ĐBSCL đang cao điểm mùa hạn, xâm nhập mặn. Nhiều địa phương như Cà Mau, Tiền Giang, Bến Tre… người dân chật vật tìm nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp; thiếu nước còn dẫn đến sạt lở, sụt lún nghiêm trọng. 
 
Thời gian qua, có nhiều cuộc hội thảo, hội nghị về ứng phó hạn mặn ở ĐBSCL nhằm tìm giải pháp thích ứng, chủ động giúp vùng này trữ được ngọt và tránh xâm nhập mặn. Có ý kiến đề xuất nên xây dựng công trình ngăn tất cả các cửa sông lớn ở ĐBSCL và lý giải: khi có công trình sẽ giúp giữ nước ngọt vào mùa mưa, trong khi mùa khô ngăn không cho mặn từ biển đi vào. Với các dự án đó, không chỉ giúp ĐBSCL tránh được nguy cơ chìm xuống khỏi mực nước biển, mà còn nổi lên để phát triển. 
 
Tuy nhiên, đề xuất công trình hóa, bê tông hóa các cửa sông dường như khó thuyết phục. Bởi thực tế không ít công trình ngọt hóa ở ĐBSCL được đầu tư với mục tiêu ngăn mặn, giữ nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của người dân trong vùng dự án, đã xảy ra những tác động tiêu cực. 
 
Những “mặt trái” ở vùng ngọt hóa cũng đã được phân tích tại hội thảo “Sống chung với hạn mặn vùng ĐBSCL” gần đây. PGS.TS Lê Anh Tuấn- Cố vấn khoa học Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) cho rằng: Một số công trình được đầu tư với “tham vọng” ngăn mặn đưa nước ngọt đi vào, nhưng không phát huy được tác dụng, thậm chí còn tạo ra những tác động tiêu cực do thiếu nước. Thời điểm cực đoan như năm 2016, 2020 và năm nay, ở một số nơi như: Cà Mau bị sụt lún nặng, có nơi ở Trần Văn Thời lên tới 2m và nó diễn ra rất nhanh. 
 
Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn: “Chúng ta mong muốn có nước ngọt, nhưng đôi khi việc này lại dẫn tới một cái hệ quả khác và cái thiệt hại này nó cũng không phải nhỏ”. Việc thiếu nước ngọt trong khi nước mặn bị ngăn không vào được, khiến áp lực nước lên bờ không còn, nên những tác động trên bề mặt làm đất sạt lở một cách đột ngột. 
 
Đặt vấn đề cần tính toán những thiệt hại để thấy có cần thiết cố tìm mọi cách ngọt hóa để chuyển sang sản xuất lúa hay không? Ông Tuấn còn cho biết, người dân ở vùng hạn mặn họ cũng biết cách trữ nước trong những điều kiện cho phép. Thậm chí, người dân hiện đã biết cách chuyển đổi sang một số mô hình thích ứng như lúa- tôm, nuôi tôm kết hợp cây năn tượng ở Sóc Trăng, để vừa cho tôm thích ứng nguồn nước và vừa thích ứng với biến đổi khí hậu.
 
TRẦN PHƯỚC