Làn sóng FDI lần thứ tư

Cập nhật, 07:07, Thứ Ba, 02/04/2024 (GMT+7)

Năm 2023-2025 là làn sóng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thứ 4 vào Việt Nam. Lần đầu tiên vào năm 1991-1997, cho tới nay sau hơn 3 thập kỷ, Việt Nam vẫn là điểm sáng thu hút FDI.

Bức tranh thu hút vốn FDI trong những năm gần đây cho thấy, có sự cải thiện đáng kể về chất lượng các dự án đầu tư. Phần lớn các dự án tập trung trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó có nhiều dự án quy mô lớn, sử dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực điện tử, sản xuất chất bán dẫn, công nghiệp phụ trợ, ứng dụng công nghệ tiên tiến... Ngày càng có nhiều nhà sản xuất lớn nằm trong chuỗi cung ứng của toàn cầu đã đến và chọn Việt Nam, như: Intel, Bosch, Panasonic, Kyocera, Foxconn, Samsung, LG, Synopsys...

Hiện nay, Việt Nam được đánh giá có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để đón nhận làn sóng FDI lần thứ tư. Đó là nhờ hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn, nguồn nhân lực kỹ thuật- công nghệ dồi dào, cơ sở hạ tầng số ngày một phát triển. Làn sóng FDI lần này có thể tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, như: Điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và năng lượng tái tạo.

Tuy vậy, một số nhà đầu tư nước ngoài cũng đề xuất các biện pháp rõ khi áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu; cần đưa ra các quy chuẩn trong phòng cháy, chữa cháy; đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục hành chính; bảo đảm điện vào mùa hè ở miền Bắc... Để thực hiện được mục tiêu là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới hiện nay, đòi hỏi phải có hệ thống pháp luật, cơ sở hạ tầng và lực lượng lao động tốt.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, không chỉ đóng góp cho ngân sách, giải quyết việc làm, doanh nghiêp FDI có vai trò lan tỏa vốn đầu tư, công nghệ, phương thức quản lý hiện đại, mở rộng thị trường xuất khẩu và thúc đẩy những doanh nghiệp Việt Nam tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu.

Việt Nam tiếp tục rà soát, điều chỉnh chính sách đầu tư nước ngoài phù hợp với xu hướng đầu tư toàn cầu, trong đó đặc biệt quan tâm đến các ngành, lĩnh vực có khả năng đóng góp cho quá trình xanh hóa nền kinh tế, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh. Cùng với đó, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nhất là khâu thực thi các thủ tục sau cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, như: Đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, môi trường, hải quan...

YÊN HƯƠNG