Phát triển khu công nghiệp bền vững

Cập nhật, 06:21, Thứ Sáu, 29/03/2024 (GMT+7)

Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp (KCN) đóng góp khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, góp phần vào việc chuyển cán cân thương mại của Việt Nam từ nhập siêu, đến cân bằng và sang xuất siêu, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách.

Hệ thống KCN, khu kinh tế đã góp phần quan trọng trong việc phát triển doanh nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát triển sản xuất công nghiệp, tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Đó là thông tin tại Diễn đàn Thúc đẩy phát triển bền vững KCN Việt Nam do tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 28/3. Hiện cả nước có 418 KCN đã thành lập, bao gồm 371 KCN nằm ngoài các khu kinh tế, 39 KCN nằm trong các khu kinh tế ven biển, 8 KCN nằm trong các khu kinh tế cửa khẩu, với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 129,9 ngàn hecta; tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 89,2 ngàn hecta.

Trong khi đó, với khoảng 1/3 KCN chưa đi vào hoạt động, đây là dư địa rất lớn để Việt Nam phát triển bền vững và định hướng phát triển KCN xanh, KCN sinh thái trong thời gian tới.

“Sự phát triển của các KCN đóng vai trò quan trọng trong bức tranh kinh tế- xã hội của Việt Nam, cũng như phát triển bền vững các KCN sẽ góp phần đáng kể vào việc hiện thực hóa các cam kết hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và nhiều chính sách quan trọng khác của Việt Nam”- ông Nguyễn Quang Vinh- Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định.

Tuy nhiên, sự phát triển các KCN thời gian qua vẫn còn bộc lộ những tồn tại, gây ô nhiễm môi trường và lãng phí tài nguyên thiên nhiên.

Để khuyến khích hình thành các KCN sinh thái, Chính phủ đã ban hành Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý KCN và khu kinh tế, trong đó đặc biệt lưu ý đến sự phát triển của mô hình các KCN sinh thái.

Trên thực tế, theo các chuyên gia kinh tế, phát triển bền vững các KCN là một trong những yêu cầu cấp thiết đối với Việt Nam nói riêng và các quốc gia trên thế giới nói chung. Tại Việt Nam, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết tại COP 26, thì việc phát triển bền vững, chuyển đổi mô hình KCN truyền thống sang KCN sinh thái là vô cùng cần thiết.

YÊN HƯƠNG