3 trụ cột cho chuyển đổi xanh

Cập nhật, 05:31, Thứ Sáu, 12/04/2024 (GMT+7)

Để chuyển đổi xanh cần có 3 trụ cột là thể chế, khoa học công nghệ và nguồn lực, nhất là tài chính- Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh điều này tại Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam 2024.

Theo ông Nguyễn Đức Hiển, không thể phủ nhận, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh.

Điển hình như chuyển dịch năng lượng tích cực, trong đó năng lượng tái tạo chiếm khoảng 27,1% trong tổng công suất và 13,7% về sản lượng trong hệ thống điện toàn quốc. So với mục tiêu đề ra đến năm 2030 đạt khoảng 15-20% và năm 2045 đạt khoảng 25-30% trong Nghị quyết số 55-NQ/TW, công suất các nguồn năng lượng tái tạo có thể đạt được. Tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam đến cuối năm 2023 đạt 16,5%. Tín dụng xanh tăng trưởng 20 %/năm từ năm 2017 đến nay và chiếm gần 4,5% dư nợ của nền kinh tế năm 2023. Giai đoạn 2019-2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh.

Năm 2023, Việt Nam bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) thu về 51,5 triệu USD; năm 2022, cả nước có khoảng 240.000ha canh tác hữu cơ (trong khi năm 2016 chỉ là 77.000ha); có 59/63 tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai nông nghiệp hữu cơ...

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, đây là những con số minh chứng trong các ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, để đạt được yêu cầu chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh còn nhiều thách thức.

Vì thế, ông Nguyễn Đức Hiển cho rằng cần tiếp tục cụ thể hóa chủ trương, đường lối chung, chiến lược đã có trong lĩnh vực kinh tế- xã hội thành các chương trình hành động cụ thể để triển khai đúng, kịp thời, theo lộ trình về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển nhanh, bền vững. Bên cạnh xác định khoa học và công nghệ là yếu tố nền tảng, then chốt để đạt được các mục tiêu quan trọng của Việt Nam trong tăng trưởng xanh; cần đổi mới tư duy và cách tiếp cận trong hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc chuyển đổi xanh…

Cùng với đó, cần có cơ chế, chính sách thúc đẩy tài chính xanh, tín dụng xanh khi WB ước tính Việt Nam cần tới 368 tỷ USD trong giai đoạn 2022-2040 (hoặc khoảng 6,8% GDP/năm) để xây dựng khả năng chống chịu và khử carbon, hướng giảm phát thải ròng bằng 0. Còn theo tính toán của Bộ Khoa học và Đầu tư, cần huy động thêm 144 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2050, tương ứng 2,2% của GDP, nhằm hiện thực hóa cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

YÊN HƯƠNG