Cân nhắc làm hồ chứa nước ngọt

Cập nhật, 07:00, Thứ Năm, 11/04/2024 (GMT+7)

Sau đợt hạn mặn lịch sử 2019 rất nhiều địa phương ĐBSCL kiến nghị xây hồ chứa nước ngọt, nhưng theo các chuyên gia thì “cần cân nhắc...”.

Sau nhiều lần chậm trễ, công trình hồ chứa nước rộng 102ha sức chứa 3,85 triệu m3 nước ở Cà Mau sẽ hoàn thành vào cuối tháng 5 này, giúp cung cấp nước sạch cho hơn 11.000 hộ dân ở huyện U Minh. Được biết, hồ chứa nước ngọt này khởi công đầu năm 2021, kế hoạch hoàn thành cuối năm 2022, song do nền địa chất yếu, công trình phải điều chỉnh thiết kế cho phù hợp vận hành, khai thác sau này.

Không riêng Cà Mau, thời gian qua cũng có rất nhiều địa phương trong vùng tính đến chuyện xây hồ chứa nước để phục vụ sản xuất, sinh hoạt.

Sóc Trăng từng đề xuất đào hồ trữ nước ngọt bằng hình thức cho doanh nghiệp tham gia mua đất nông nghiệp, sau đó đào hồ (theo thiết kế) lấy đất san lấp mặt bằng rồi giao lại cho Nhà nước quản lý. Với cách làm này, Nhà nước, doanh nghiệp và người dân đều có lợi.

Tỉnh Trà Vinh cũng có văn bản kiến ghị Bộ Nông nghiệp- PTNT bổ sung dự án hạ tầng hồ chứa nước ngọt dọc bờ sông Láng Thé, vốn đầu tư 2.864 tỷ đồng, vào quy hoạch hồ thủy lợi giai đoạn 2021-2025.

Năm 2023, An Giang đề xuất 4 dự án sử dụng vốn ODA với tổng mức đầu tư hơn 7.727 tỷ đồng. Trong đó, có Dự án Hệ thống trữ nước ngọt gắn với hạ tầng phục vụ liên kết sản xuất vùng Tứ giác Long Xuyên hơn 3.185 tỷ đồng. Việc xây dựng “hồ trữ ngọt” tự nhiên cho vùng Tứ giác Long Xuyên, theo địa phương là rất cần thiết nhằm điều tiết lũ, có thể phục vụ tưới cho khoảng 30.000ha đất nông nghiệp các tỉnh: An Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ.

Nhiều nhà khoa học cho rằng, xây hồ chứa nước ngọt là cần thiết nhưng cần cân nhắc nhiều yếu tố.

ThS Nguyễn Hữu Thiện- chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL, từng đưa ra đề xuất, là cần rạch ròi giữa nguồn nước cho sinh hoạt và nguồn nước cho sản xuất. Công trình trữ nước cho sản xuất khó có thể đáp ứng tiêu chuẩn cho nước sinh hoạt vì có thể bị ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất dẫn đến hiện tượng phú dưỡng hữu cơ hay tích tụ độc chất vô cơ. Nước trữ trong ao, hồ là nước tĩnh, do đó hàm lượng ôxy trong nước là thấp và ít có khả năng tự làm sạch. Do đó phải bảo đảm cắt mọi nguồn ô nhiễm có thể có vào nguồn nước này.

PGS.TS Lê Anh Tuấn- Cố vấn khoa học Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), khẳng định việc xây hồ chứa nước ngọt là cần thiết nhưng xây quy mô như thế nào thì cần phải khảo sát kỹ vùng đất đó. Không nên đào quá sâu vì hiện trạng đất ở ĐBSCL nếu đào sâu sẽ đụng phèn.

Đặc biệt, cũng theo các chuyên gia, với các tỉnh đất ven biển có thể có hàm lượng cát nhiều dễ thấm, khi làm ao hồ sâu có thể gặp phải thủy cấp mặn và có khả năng bị mặn thấm ngược sẽ không phát huy hiệu quả.

N. HOÀNG