Cộng đồng trách nhiệm trong đảm bảo an toàn thực phẩm

Cập nhật, 06:28, Thứ Tư, 17/04/2024 (GMT+7)

Thời gian gần đây cả nước liên tiếp xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) với mức độ phức tạp ngày càng tăng, ảnh hưởng sức khỏe của nhiều người, đáng chú ý trong đó có các cháu học sinh. Thực trạng trên đã và đang đặt ra các yêu cầu mới, đòi hỏi phải đề cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, nhất là chính quyền cơ sở trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm (ATTP).

Theo Bộ Y tế, trong quý I, cả nước xảy ra 16 vụ NĐTP khiến hơn 650 người bị NĐTP phải nhập viện cấp cứu, điều trị, trong đó có 3 người tử vong (so với cùng kỳ năm 2023 thì số người bị NĐTP tăng 270%).

Tại tỉnh Khánh Hòa, từ đầu năm 2024 tới nay đã xảy ra ít nhất 3 vụ NĐTP, làm hơn 300 người phải nhập viện. Mới đây nhất, 1 học sinh lớp 5 của Trường Tiểu học Vĩnh Trường ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã tử vong, nghi do NĐTP sau khi ăn cơm gà tại một quán vỉa hè gần cổng trường. Cùng với đó, nhiều học sinh khác của Trường Tiểu học Vĩnh Trường và Trường THCS Trần Hưng Đạo ở TP Nha Trang cũng bị đau bụng, nôn ói do NĐTP.

Thực tế cho thấy, vấn đề ATTP thời gian qua luôn được ngành chức năng cảnh báo nhưng tình trạng NĐTP vẫn xảy ra. NĐTP và các bệnh do thực phẩm gây ra không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe phát triển của con người, mà còn gây thiệt hại lớn cho sản xuất, kinh tế và chi phí chăm sóc y tế.

Tháng hành động Vì ATTP năm 2024 với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới” diễn ra trên cả nước từ ngày 15/4 và kéo dài đến 15/5, với mục tiêu là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong bảo đảm an ninh, ATTP; đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP.

Trong tháng hành động năm nay, BCĐ liên ngành Trung ương về vệ sinh ATTP đã yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch, triển khai các biện pháp bảo đảm ATTP, phòng chống NĐTP phù hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt, việc quản lý lĩnh vực ATTP không chỉ có ngành y tế mà còn có trách nhiệm của nhiều ngành và địa phương.

Và để phòng chống NĐTP, đòi hỏi các địa phương, ngành chức năng cần quyết liệt hơn trong công tác quản lý ATTP. Cụ thể, cần tăng cường thanh kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố… Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng để mỗi người dân không chỉ biết phân biệt, lựa chọn sử dụng thực phẩm an toàn mà còn biết tẩy chay thực phẩm nguy hại, thực phẩm bẩn và sẵn sàng đấu tranh với mọi hành vi vi phạm về ATTP. Người dân cũng cần thay đổi hành vi về ATTP, chỉ sử dụng, chế biến các thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và còn hạn sử dụng...

AN NHIÊN