Tim Cook đến Việt Nam

Cập nhật, 05:30, Thứ Sáu, 19/04/2024 (GMT+7)

CEO Apple Tim Cook lần đầu tới Việt Nam (ngày 15-16/4) và có các cuộc gặp gỡ với quan chức chính phủ, nhà phát triển phần mềm, nhà sáng tạo nội dung và nghệ sĩ. Sự kiện này kỳ vọng cho Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng trong chiến lược của Apple.

Thông tin từ baochinhphu.vn, Apple không có nhà máy sản xuất trực tiếp tại Việt Nam, nhưng thông qua hơn 70 nhà máy của các đối tác sản xuất thiết bị gốc với hơn 250.000 người lao động, chuyên sản xuất linh kiện điện tử như bảng điện, camera, màn hình… và lắp ráp hoàn thiện sản phẩm cho Apple. Công ty TNHH Apple Việt Nam là đơn vị nhập khẩu chính thức các sản phẩm của Apple tại Việt Nam với trên 40 đối tác phân phối tại Việt Nam và trên 5.000 cửa hàng được Apple ủy quyền. Năm 2023, Apple đã mở cửa hàng trực tuyến Apple Online Store, và dịch vụ Apple Pay cùng với các đối tác ngân hàng Việt Nam.

Tại buổi tiếp CEO Tim Cook ngày 16/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Apple với vai trò của mình góp phần vào thúc đẩy Chính phủ và Quốc hội Mỹ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam và sớm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước hạn chế về xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao của Mỹ.

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam sẵn sàng phối hợp với Apple để thành lập tổ công tác hỗ trợ Apple trong việc đầu tư, mở rộng hoạt động tại Việt Nam.

CEO Apple Tim Cook cho biết, muốn đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động đầu tư tại Việt Nam, nhất là phát triển các sản phẩm công nghệ cao.

Chuyến thăm của lãnh đạo Apple tới Việt Nam, theo các nhà phân tích, đem lại nhiều ý nghĩa về lâu dài, bao gồm việc thúc đẩy mở rộng chuỗi cung ứng, cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm Apple. Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Ấn Độ, đồng thời có nền tảng lớn đến từ chuỗi cung ứng của Samsung. Ngoài ra, Việt Nam có lợi thế về chi phí lao động và chính sách thuận lợi, ổn định, giúp nhanh chóng mở rộng sản xuất.

Trong các cuộc họp báo cáo tài chính, Tim Cook cũng nhắc đến Việt Nam như một trong những ví dụ về sự tăng trưởng nhanh.

Dù đứng trước nhiều cơ hội, các nhà phân tích cũng lưu ý Việt Nam cần chú trọng đầu tư, phát triển và cải thiện liên tục cơ sở hạ tầng để nâng cao hiệu quả sản xuất, từ đó tăng cường thu hút đầu tư từ các hãng, cũng như hướng tới trở thành trung tâm sản xuất của Đông Nam Á.

YÊN HƯƠNG