Logistics cho nông sản ĐBSCL

Cập nhật, 05:10, Thứ Sáu, 17/06/2022 (GMT+7)

(VLO) “Hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản ĐBSCL” là diễn đàn đáng chú ý do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ đạo VCCI tại Cần Thơ và các đơn vị phối hợp tổ chức hồi cuối tháng 5 vừa qua.

ĐBSCL mặc dù là trung tâm lớn trong sản xuất nông nghiệp của cả nước, nhưng chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản đang tồn tại nhiều hạn chế, cản trở sự tăng trưởng kinh tế của vùng.

Chi phí logistics hiện tại đang chiếm cao nhất và cao một cách bất hợp lý (lên đến 30% giá thành sản phẩm), khiến nông sản ĐBSCL giảm sức cạnh tranh so với nông sản các nước…

Theo VCCI tại Cần Thơ, nhu cầu vận chuyển hàng hóa của ĐBSCL hiện nay đang rất lớn, đặc biệt là vùng sản xuất lúa gạo lớn nhất cả nước với 23 triệu tấn; thủy sản và sản lượng chăn nuôi của ĐBSCL cũng đang chiếm một tỷ lệ rất lớn so với các vùng miền khác trên cả nước.

Tuy nhiên, những hạn chế về kết cấu hạ tầng, giao thông, logistics đang là trở lực lớn cho sự phát triển kinh tế vùng hiện tại.

Logistics rất quan trọng đối với ĐBSCL, tuy nhiên, các cảng biển ở vùng ĐBSCL chỉ đáp ứng được khoảng trên 10% trữ lượng hàng hóa.

Do đó, việc vận chuyển hàng hóa về các cảng lớn ở TP Hồ Chí Minh hoặc Bà Rịa- Vũng Tàu đã làm tăng thêm chi phí và tạo nên năng lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp là rất lớn.

Ông Nguyễn Thành Phong- Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, điểm nghẽn lớn nhất đối với phát triển kinh tế ĐBSCL chính là hệ thống logistics kết nối từ sản xuất tới tiêu dùng.

Chi phí logistics tại ĐBSCL đang là gánh nặng đối với năng lực cạnh tranh của các sản phẩm sản xuất tại đây.

Do vậy, phát triển hệ thống logistics là một giải pháp cấp bách hiện nay để nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng nông sản. Muốn mở rộng sự hiện diện của sản phẩm ĐBSCL thì tất yếu phải phát triển hệ thống logistics cho nông sản ĐBSCL một cách tương xứng.

Thời gian qua, Chính phủ cũng ban hành nhiều chương trình cải cách nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông vùng ĐBSCL.

Cụ thể, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 13/NQ-TW và cùng với nhiều dự án lớn đang xây dựng, quy hoạch đầu tư giao thông cho ĐBSCL của Chính phủ, được xem là thời điểm vàng để logistics vùng ĐBSCL phát triển.

Nhiều ý kiến tại diễn đàn đề xuất giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp cải thiện chi phí logistics, hoàn thiện cơ chế xây dựng chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản ĐBSCL, đảm bảo tính liên kết ổn định và giảm chi phí logistics.

YÊN HƯƠNG