Phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái

Cập nhật, 05:39, Thứ Năm, 09/06/2022 (GMT+7)

(VLO) Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về ngành nông nghiệp và nông thôn hôm 7/6, Bộ trưởng Nông nghiệp- PTNT Lê Minh Hoan cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thì ngành nông nghiệp nước ta vẫn giữ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo lương thực, thực phẩm, an sinh xã hội.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cũng đang đối mặt thách thức lớn từ nội tại tới khách quan như biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến đổi xu hướng tiêu dùng của thế giới.

Do đó, tới đây, nền nông nghiệp Việt Nam sẽ phát triển theo hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người.

Trước câu hỏi đến bao giờ nông sản hết tình trạng được mùa mất giá, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, ngành nông nghiệp có tính liên ngành rất cao, có tính hệ thống trên- dưới, trong- ngoài và vận hành theo kinh tế thị trường. Nếu có sự vào cuộc, năng động của chính quyền địa phương sẽ quyết định việc xử lý những vấn đề trên nhanh hay chậm.

Trong phát triển chuỗi liên kết, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng phải bắt đầu từ xây dựng vùng nguyên liệu, qua đó chuẩn hóa đầu vào, đáp ứng và đảm bảo chuẩn mực đầu ra. Bộ trưởng nêu rõ không thể xây dựng chuỗi ngành hàng cho từng hộ, mà cho từng vùng nguyên liệu, vùng sinh thái.

Ngoài vai trò của Nhà nước, cần chú trọng vai trò của doanh nghiệp trong xây dựng ngành hàng, đặc biệt trong nâng cao chất lượng của các hợp tác xã để phát triển vùng nguyên liệu.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo trong những hoàn cảnh khó khăn thì vẫn phải tìm ra một hướng đi cho riêng mình về chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng như chủ động thích ứng với sự thay đổi.

Trong thời đại công nghiệp 4.0, làm nông nghiệp có thể không cần phải đầu tư và sở hữu nhiều đất, mà có thể tận dụng thế mạnh của nền kinh tế liên kết, kinh tế chia sẻ.

Ngoài hướng tập trung tích tụ đất đai hướng tới tăng quy mô sản xuất, xây dựng vùng nông nghiệp cao, vẫn có những phương thức tập trung đất đai mềm, thích ứng với từng điều kiện ở từng địa phương, kết hợp nguồn lực Nhà nước với nguồn lực xã hội để cùng phát triển.

N. HOÀNG