"Gia đình bình an- xã hội hạnh phúc"

Cập nhật, 05:47, Thứ Ba, 28/06/2022 (GMT+7)

(VLO) Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vai trò của gia đình. Người khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”.

Theo Người: “Một gia đình mới, một gia đình tốt là một gia đình mà trong đó các thành viên trong gia đình phải biết yêu thương, tôn trọng lẫn nhau, chia sẻ những khó khăn trong công việc cùng nhau, nam nữ bình đẳng”.

Với ý nghĩa vô cùng quan trọng đó, ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định lấy ngày 28/6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam.

Đây là ngày tôn vinh truyền thống gia đình, ngày mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, hướng về gia đình, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ, các cặp vợ chồng thấu hiểu giá trị mái ấm và cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.

Gia đình thực sự là tế bào của xã hội. Tế bào có tốt, có lành mạnh, thì xã hội mới tốt, mới lành mạnh. Gia đình là tế bào của xã hội không đơn thuần chỉ xét theo đơn vị tổ chức của cộng đồng, mà còn được xét dưới các góc độ khác nhau, cả về đạo đức, văn hóa, lối sống, từ trong giai đoạn đầu đời hình thành nhân cách tác phong… đến quá trình gắn bó với nhau, đến cuối cuộc đời của con người; từ đời này đến đời khác.

Theo quan niệm truyền thống, xây dựng văn hóa gia đình trên nền tảng đạo đức bao gồm đạo hiếu, đạo nghĩa. Từ thuở còn nằm nôi, chắc hẳn ai cũng được nghe những lời hát ru mượt mà của mẹ, của bà dạy bảo: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.

Lớn thêm chút nữa, được dạy về cách ứng xử, về đức làm người: “Kính trên, nhường dưới”; “Chị ngã, em nâng”; “Môi hở, răng lạnh”.

Tất cả những lời dạy bảo trên đã thấm nhuần vào mỗi người con đất Việt, hình thành trong ta lòng nhân hậu, bao dung, vị tha. Đó cũng là cái nôi đầu tiên giúp ta nuôi dưỡng lý tưởng, tinh thần yêu nước, dòng tộc, xóm giềng…

Hưởng ứng ngày Gia đình Việt Nam, mỗi gia đình cần tự ý thức vị trí, vai trò của mình trong xã hội; hướng mỗi thành viên đến nét đẹp truyền thống gia đình, xây dựng một gia đình mẫu mực.

Các cơ quan, đoàn thể cần phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng nhằm giải quyết những thách thức, khó khăn trong công tác gia đình; giáo dục các thành viên trong gia đình về tình yêu đất nước, đức hy sinh, lòng vị tha và nhân ái; có lối sống lành mạnh, ứng xử văn minh phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc và xu thế phát triển của thời đại.

N. HOÀNG