Đừng đổ: tại trời mưa!

Cập nhật, 05:12, Thứ Bảy, 04/06/2022 (GMT+7)

(VLO) Mùa mưa năm nay đã chứng kiến nhiều bất thường của thời tiết với dự báo mưa bão trái quy luật, sớm và nhiều hơn.

Những cơn mưa lớn xối xả có thể được xem là “đặc trưng” đầu mùa mưa này, không chỉ ở Nam Bộ, mà hầu hết các khu vực trong cả nước đều đã xuất hiện mưa giông với tần suất dày đặc, gây khó khăn thêm cho đời sống, sản xuất của người dân.

Không chỉ ở các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội, mà các đô thị nhỏ, nằm cạnh các con sông lớn, khả năng thoát nước tốt ở miền Tây như TP Vĩnh Long cũng đang chịu cảnh “mưa là ngập”.

Những tuyến đường nội ô TP Vĩnh Long thường chỉ bị ngập nước vào các đợt triều cường tháng 9, 10 âl hàng năm, nhưng ngập sâu do mưa lớn như thời gian gần đây thì… khá hiếm.

Bởi rất nhiều tuyến đường mới sửa chữa, nâng cấp, trong các khu hành chính, đô thị mới… cũng bị ngập lút do mưa.

Nhiều nhà quản lý thường viện dẫn lý do nền đường thấp (tất nhiên bị ngập do triều cường), người dân xả rác, nước thải khiến mặt cống bị bịt kín, nước không thoát được…

Tuy nhiên, nhiều người dân cho rằng đó chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”, kể cả khi không bị rác thải bịt kín nhiều miệng cống cũng không thể hút nước vì quá cao so với mặt đường, hoặc đường ống thoát nước quá nhỏ, ít được nạo vét gây tình trạng ngập cục bộ trên mặt đường…

Người dân quan sát bằng mắt thường nên có thể phỏng đoán theo cảm tính, không có căn cứ khoa học, nhưng đó cũng là những đóng góp để các nhà quản lý, chuyên môn tham khảo tìm ra giải pháp chống ngập hữu hiệu.

Thực tế, thành phố và các đô thị trong tỉnh đã và đang được đầu tư nhiều công trình trọng điểm, có nguồn vốn đầu tư lớn để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chúng ta đã đạt được thành quả bước đầu chống tác động do triều cường bằng các tuyến bờ kè, đường phố được nâng cao lên; dù vậy, cũng cần nghiên cứu tính đến các “giải pháp mềm” trong việc ứng phó với yếu tố “từ trên trời rơi xuống”- đó là nước mưa và thiên tai được dự báo là phức tạp, khốc liệt và khó dự đoán hơn.

Theo Văn phòng Thường trực BCĐ Quốc gia về phòng chống thiên tai, tính đến ngày 31/5, Việt Nam đã chịu ảnh hưởng của 49 trận mưa lớn, 15 trận mưa giông, lốc, sét, 13 vụ sạt lở bờ sông, 17 trận động đất.

Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, ngoài những giải pháp công trình và phi công trình, cần có chiến lược mang tính lâu dài, chớ không thể mọi nguyên nhân cứ đổ “tại trời mưa”.

LÝ AN