Kỳ vọng sự phục hồi kinh tế- xã hội

Cập nhật, 09:15, Thứ Tư, 25/05/2022 (GMT+7)

Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, ngân sách nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, năm 2021 có 7/12 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch.

Ngoài ra, nhờ thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt từ khi chuyển hướng từ chiến lược “phòng chống dịch COVID-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19” giúp cho kinh tế- xã hội có nhiều khởi sắc và đang phục hồi tốt.

Theo đánh giá của Chính phủ, trong những tháng đầu năm 2022, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát và nhiều ngành nghề đang phục hồi tốt. Kết quả, tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I/2022 đạt 5,03%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 và 2021. Trong 4 tháng đầu năm, các chỉ số sản xuất đều tăng, các lĩnh vực dịch vụ, du lịch phục hồi nhanh; hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng và sản xuất kinh doanh cơ bản được bảo đảm. Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, việc dịch bệnh cơ bản được kiểm soát đã củng cố niềm tin, sự an toàn của người dân, doanh nghiệp, góp phần quan trọng cho phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội đánh giá cao sự điều hành của Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội. Đặc biệt, việc thực hiện Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô lớn và nhiều cơ chế, chính sách chưa có tiền lệ đã hỗ trợ kịp thời cho phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, chủ động trong công tác phòng chống dịch.

Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra cũng chỉ ra những vấn đề có nguy cơ đe dọa tiến trình phục hồi của nền kinh tế: Giá dầu tăng cao tác động tiêu cực đến giá cả hàng hóa, nguyên- vật liệu, chi phí vận chuyển; nguy cơ bùng phát dịch do các biến chủng mới vẫn hiện hữu; vấn đề giải ngân vốn đầu tư công trì trệ; khả năng hấp thụ nguồn vốn của nền kinh tế; nguy cơ nợ xấu còn tiềm ẩn; thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản có nhiều rủi ro…

Từ thực tế trên, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp xử lý, tháo gỡ kịp thời những nguy cơ, đồng thời tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình phòng chống dịch COVID-19; bao phủ tiêm vắc xin phù hợp. Ngoài ra, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về tài khóa, tiền tệ theo Nghị quyết số 43 và các nghị quyết theo kế hoạch 5 năm của Quốc hội để có thể hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 từ 6- 6,5%, tạo tiền đề giai đoạn 2021- 2025 với mục tiêu tăng trưởng từ 6,5- 7%.

AN NHIÊN