Phát triển xanh và bền vững

Cập nhật, 05:01, Thứ Sáu, 13/05/2022 (GMT+7)

(VLO) Trong những năm gần đây, Việt Nam luôn dành sự quan tâm sâu sắc tới mục tiêu hướng đến phát triển bền vững song song với chống biến đổi khí hậu, nhằm thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.

Trước những thách thức và nguy cơ đặt ra cho nền kinh tế từ vấn đề môi trường, Việt Nam đã có những chủ trương, đường lối, kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể để đạt mục tiêu phát triển bền vững nhằm bắt kịp với xu thế phát triển mới của thế giới.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII nhấn mạnh: “Lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến trình công nghiệp hóa trong hơn 3 thập kỷ qua, Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050”.

Những nỗ lực kiểm soát nguồn ô nhiễm cũng được các bộ, ban, ngành thực hiện chặt chẽ, bảo đảm quy trình, chất lượng và hiệu quả. Hoạt động giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên cả nước cũng có những chỉ số tích cực.

Theo TS Đỗ Nam Thắng- Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Hài hòa giữa yêu cầu phát triển kinh tế và các cam kết môi trường toàn cầu là một việc không dễ thực hiện, đặc biệt đối với các nước đang phát triển như Việt Nam”.

Mặc dù hành trình này gặp không ít thách thức, song Việt Nam cũng đã và đang có nhiều cơ hội để hiện thực hóa các cam kết của mình. Các nguồn lực dồi dào trong nước và sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế sẽ là động lực lớn để chúng ta có thể đồng thời chuyển đổi sang phát triển xanh và phát triển bền vững sau đại dịch.

YÊN HƯƠNG