Tạo điều kiện để Nhân dân góp sức, hiến kế

Cập nhật, 06:59, Thứ Ba, 17/05/2022 (GMT+7)

Hiện nay, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đang tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, cán bộ mặt trận và các tầng lớp nhân dân về công tác giám sát (GS), phản biện xã hội (PBXH) của MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội để tham mưu trình Ban Bí thư ban hành chỉ thị đối với vấn đề này trong giai đoạn mới.

Theo Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, GS, PBXH là nhiệm vụ rất quan trọng của MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội nhằm phát huy vai trò là tổ chức liên minh chính trị, một thiết chế để kiểm soát quyền lực từ bên ngoài, tăng cường đoàn kết và đồng thuận trong Nhân dân. Thực tế, sau 9 năm kể từ khi ban hành quy chế này, công tác GS, PBXH đã có nhiều chuyển biến, tiến bộ và đạt được nhiều kết quả như mục tiêu đề ra. Theo đó, MTTQ, các tổ chức chính trị- xã hội các cấp đã lựa chọn những nội dung để xây dựng kế hoạch GS, PBXH hàng năm, thường sát với những nội dung mà Nhân dân quan tâm, bức xúc.

Tuy vậy, qua đánh giá công tác GS, PBXH vẫn còn những hạn chế nhất định. Trong đó phải kể đến việc một số cấp ủy chưa quan tâm đúng mức vấn đề này; cán bộ làm công tác này còn thiếu và yếu; thậm chí vẫn còn lúng túng trong việc xác định đối tượng, nội dung và phương thức thực hiện; nhiều nội dung GS còn chung chung, thiếu cụ thể, thiếu tính chuyên sâu…

Qua tham khảo ý kiến, các chuyên gia cho rằng để nâng cao chất lượng công tác GS, PBXH của MTTQ, các tổ chức chính trị- xã hội, cấp ủy các cấp phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị thực hiện nghiêm túc, tạo sự đồng thuận, thống nhất. Song song đó, trong triển khai thực hiện cấp ủy, chính quyền các cấp, người đứng đầu phải có tinh thần thật sự cầu thị, lắng nghe ý kiến, chịu sự GS của Nhân dân. Ngoài ra, phải bố trí cán bộ xứng tầm, có bản lĩnh, ý thức chính trị, không bị chi phối, tác động từ bên ngoài.

GS, PBXH là hoạt động đặc thù, mang tính nhân dân, tính xã hội rộng rãi, là phương thức để Nhân dân góp sức, hiến kế với Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách, quyết sách. Văn kiện Đại hội XIII và nhiều văn bản của Đảng thời gian gần đây tiếp tục khẳng định và nhấn mạnh yêu cầu phát huy vai trò GS, PBXH của MTTQ, các tổ chức chính trị- xã hội và Nhân dân trong mọi lĩnh vực, từ xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng và hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách đến các vấn đề về kinh tế- xã hội liên quan đến đời sống Nhân dân để hướng đến mục tiêu cuối cùng là tạo sự đồng thuận xã hội, niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

AN NHIÊN