Xây dựng xã hội học tập

Cập nhật, 06:28, Thứ Năm, 26/05/2022 (GMT+7)

Phát biểu tại hội thảo “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực tại chỗ thông qua việc thực hiện các mô hình học tập”, do Hội Khuyến học Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ GD- ĐT phối hợp tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Đổi mới giáo dục là một quá trình, có những việc phải 10 năm sau mới có kết quả. Trong quá trình đổi mới giáo dục, điều quan trọng là khi nghị quyết của Trung ương, những nghiên cứu khoa học đủ chắc chắn, phù hợp với xu thế thế giới thì phải có kiên định chiến lược, kiên nhẫn thực hiện. Đồng thời, phải gắn chặt với điều kiện trong nước về hệ thống chính trị, truyền thống văn hóa, trình độ phát triển kinh tế- xã hội.

Theo Phó Thủ tướng, nhìn lại suốt mấy chục năm qua, đặc biệt từ khi có Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, giáo dục tiếp tục có những bước phát triển vững chắc, toàn diện. Các bậc học đều có bước tiến bộ, các giải pháp đổi mới đã theo xu thế rất tốt.

Trong những năm qua, Việt Nam đã chú trọng đến việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tuy nhiên, hiện nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Theo thống kê, tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ của Việt Nam mới đạt được 30%, năng suất lao động chất lượng cao còn thấp so với nhiều nước trên thế giới. Do đó, xây dựng mô hình “Công dân học tập”, “Đơn vị học tập” là một trong những giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực tại chỗ.

Để cụ thể hóa việc thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng “xã hội học tập” từ cơ sở, nâng cao nguồn nhân lực tại chỗ, các đại biểu cho rằng, việc chuyển đổi mô hình đào tạo cần phải được chú trọng ngay từ các cấp cơ sở, để thuận lợi nhất và tạo điều kiện cho mọi người đều có thể học tập. Đồng thời triển khai đồng bộ các mô hình học tập phù hợp từng ngành, từng lĩnh vực làm nòng cốt lan tỏa tới “công dân học tập”.

Phó Thủ tướng cho rằng, làm sao để mỗi người thích học, thông qua nhiều giải pháp, tạo điều kiện thuận lợi để người lớn học tập, từ xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế chính sách, khơi dậy sự sáng tạo, đóng góp của người dân trong mọi hoạt động của đời sống văn hóa, xã hội.

N. HOÀNG