Giao thông đang là nút thắt của vùng ĐBSCL

Cập nhật, 05:40, Thứ Tư, 01/06/2022 (GMT+7)

(VLO) Tại hội thảo “Xóa trắng cao tốc, phát huy lợi thế ĐBSCL” do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 31/5, nhiều ý kiến cho rằng giao thông là nút thắt lớn nhất để đột phá kinh tế vùng ĐBSCL hiện nay.

Nhiều ý kiến tham luận tại hội thảo khẳng định, ĐBSCL có vị trí chiến lược quan trọng và còn nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển.

Cụ thể, đây là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước, đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước…

Và khi nhắc đến vùng ĐBSCL, người ta thường gắn với những cụm từ trù phú, lợi thế tài nguyên, thiên nhiên ưu đãi, nguồn lao động dồi dào… nhưng dù đang nắm giữ nhiều lợi thế để bứt phá, phát triển, nhưng vùng ĐBSCL đang phát triển phân tán, quy mô nhỏ lẻ, giá trị thấp.

Nhiều ý kiến nhận định, hạ tầng giao thông được xem là động lực phát triển cho vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, thời gian qua hạ tầng giao thông đang là nút thắt lớn nhất để đột phá kinh tế của vùng.

Theo thống kê, tính đến cuối năm 2020, ĐBSCL mới chỉ có trên 40km trong tổng số 1.200km đường cao tốc trên cả nước. Không chỉ đường bộ, cả đường thủy, đường biển của vùng cũng còn hạn chế.

Việc hạ tầng giao thông thiếu và yếu, giao thông kết nối yếu kém dẫn đến tăng chi phí trong các chuỗi giá trị sản xuất, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và kinh tế toàn vùng.

Theo Bộ Giao thông vận tải, trong vùng đã đưa vào sử dụng 2 tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh- Trung Lương và Trung Lương- Mỹ Thuận. Hiện nay, bộ đang triển khai 3 cao tốc rất lớn: Cần Thơ- Cà Mau, Cần Thơ- Sóc Trăng và Cần Thơ- Châu Đốc, cũng như đang hoàn chỉnh đường cao tốc từ An Hữu qua Cao Lãnh về Rạch Giá.

Trong nhiệm kỳ này, nếu quyết tâm cao, phối hợp tốt sẽ hoàn thành được khoảng 448km đường cao tốc của vùng.

Theo các ý kiến đại biểu, để sớm phát huy lợi thế cho vùng, Bộ Giao thông vận tải cần quyết liệt triển khai đầu tư hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng đúng theo tiến độ đối với các dự án đường cao tốc tại khu vực đã được phê duyệt.

Đồng thời, kiến nghị Trung ương quan tâm xem xét chủ trương để đầu tư hoàn thiện hệ thống đường cao tốc trục ngang đảm bảo tính liên kết vùng, tạo động lực phát triển cho cả khu vực.

Nhiều đại biểu kỳ vọng, việc sớm giải quyết những vấn đề nội tại, những nút thắt, trong đó có vấn đề giao thông sẽ giúp vùng ĐBSCL phát huy hết tiềm năng và lợi thế như kỳ vọng.

AN NHIÊN