Chợ tết Việt

Cập nhật, 05:58, Chủ Nhật, 10/01/2016 (GMT+7)

“Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi/ Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh/ Trên con đường viền trắng mép đồi xanh/ Người các ấp tưng bừng ra chợ tết”.

Họ ra đó, có gì? “Một thầy khóa gò lưng trên cánh phản/ Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân/ Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm/ Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ/ Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ/ Nước thời gian gội tóc trắng phau phau/ Chú hoa man đầu chít chiếc khăn nâu/ Ngồi xếp lại đống vàng trên mặt chiếu… Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha/ Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết/ Con gà trống mào thâm như cục tiết/ Một người mua cầm cẳng dốc lên xem”.

Và, “Chợ tưng bừng như thế đến gần đêm/ Khi chuông tối bên chùa văng vẳng đánh”.

Đấy chính là hình ảnh sinh động vô cùng hồn hậu, tươi đẹp và thuần Việt của phiên chợ tết xưa qua nét bút tài hoa của nhà thơ Đoàn Văn Cừ. Nhưng điều này cũng khiến cho câu chuyện cuối tuần nghĩ đến những phiên chợ tết Việt của hàng Việt, ở khía cạnh… thị trường (xin lỗi nhà thơ).

Tết không lo thiếu hàng- thường nghe được lời khẳng định của các doanh nghiệp như vậy. Nhưng còn chuyện có tăng giá hay không thì… chưa biết. Ví dụ “tăng tăng” dễ thấy nhất là giá bia rượu. Vừa uống hết một thùng chạy ra mua thêm thùng khác thì có khi giá đã tăng rồi. Nhà doanh nghiệp không thể (hay không muốn?) yêu cầu tiểu thương bán đúng giá. Còn tiểu thương thì giải thích đơn giản “lần lấy hàng nào giá cũng tăng”.

Đây chỉ là đơn cử cho việc nhiều loại hàng Việt Nam thường “bỏ quên” thượng đế của mình vào những lúc đang tưng bừng phố chợ. Để rồi khách chạy sang những mặt hàng khác cùng chủng loại nhưng bảo đảm “giá y như cũ”. Và cuộc ra đi đôi khi
là không thèm quay trở lại. Việc mất khách hàng diễn ra khá đơn giản.

Trong khi đó, lẽ ra hàng Việt qua những phiên chợ tết với mẫu mã đẹp, chất lượng bảo đảm và giá cả phải chăng là dịp để ra mắt và giữ người tiêu dùng rất hiệu quả.

Giờ đây, các quốc gia như Thái Lan (đang xuất khẩu hàng tiêu dùng sang ta ầm ầm) đang hướng tới giảm xuất khẩu để chủ động hơn cho nền kinh tế, thì các doanh nghiệp xứ mình lại mải miết với những cuộc đi tìm thị trường xứ người vừa cam go vừa nghiệt ngã, trong khi đó bỏ quên ngay chỗ “ưu tiên” ngay bên mình: thị trường với 90 triệu dân đang giàu lên.

PHƯƠNG NAM