Lòng dân là mệnh lệnh

Cập nhật, 05:32, Thứ Sáu, 08/01/2016 (GMT+7)

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã minh chứng khi giai cấp lãnh đạo, những đại diện của nhân dân thực sự thể hiện ý chí, nguyện vọng và phục vụ lợi ích của nhân dân thì đất nước được thịnh bình.

Quyết định tiến hành Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên được đưa ra khi đất nước đang trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” cho thấy: Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất hiểu mong muốn của người dân, có niềm tin mạnh mẽ vào sức mạnh và sự ủng hộ của nhân dân. Khi đó, nhân dân thấy rõ, với mục tiêu lý tưởng của Đảng và dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đem lại cơm no, áo ấm, độc lập, tự do, hạnh phúc cho họ. 13 khóa Quốc hội đi qua là bản trường ca về lịch sử dựng nước, giữ nước. Từ bản Hiến pháp năm 1946 đậm tinh hoa, ghi dấu ấn một đất nước ngẩng cao đầu tuyên bố với thế giới: Việt Nam là một nước độc lập, tự do, có chủ quyền, có tên trên bản đồ thế giới!

Mỗi nhiệm kỳ, trước sự đòi hỏi của nhân dân và đất nước, Quốc hội đều có những đổi mới, đóng góp cho quá trình phát triển của đất nước. Nhưng có thể thấy, Quốc hội khóa XIII này đã có nhiều đóng góp quan trọng, đặc biệt là đã thể chế hóa thành công các quan điểm, đường lối của Đảng trong Hiến pháp năm 2013. Hiến pháp năm 2013 đã cho thấy nỗ lực thực hiện mục tiêu Nhà nước của dân, do dân và vì dân thông qua việc trang trọng ghi nhận các quyền cơ bản của con người.

Tại phòng họp “Diên Hồng” nhân kỷ niệm 70 năm ngày bầu cử Quốc hội đầu tiên, một đại biểu Quốc hội đương nhiệm thể hiện tâm tư: Làm sao để tiếng nói của nhân dân được vang vọng vào nghị trường? Làm sao để chính sách, pháp luật trên bàn nghị sự của Quốc hội đáp ứng được đòi hỏi của cuộc sống? Làm sao để quyền lực nhân dân trao cho Quốc hội được thực hiện trọn vẹn?…

Những câu hỏi này thôi thúc mỗi đại biểu Quốc hội phải luôn cố gắng hơn nữa. Qua 70 năm- 13 khóa Quốc hội, lòng dân chính là mệnh lệnh đối với mỗi đại biểu Quốc hội và Quốc hội. 

HOÀNG HÀ