Phải đổ "mồ hôi" nhiều hơn

Cập nhật, 07:43, Thứ Tư, 03/07/2019 (GMT+7)

Các hiệp định thương mại tự do (FTA) không chỉ mở rộng thị trường mà còn mang lại lợi ích thuế quan cho nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, cam kết FTA không đồng nghĩa là giấy phép, là visa xuất khẩu cho các loại hàng hóa.

Theo Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp- PTNT) Trần Công Thắng, bên cạnh nhiều cơ hội, ngành nông nghiệp đối mặt với không ít thách thức.

Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiểu biết của doanh nghiệp Việt Nam về các hiệp định thương mại như CPTPP hay EVFTA rất hạn chế. Cụ thể, có tới 63% doanh nghiệp không biết hoặc lần đầu tiên nghe nói về Cộng đồng kinh tế ASEAN. Với CPTPP và EVFTA, con số này lần lượt lên tới 71 và 77%.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngành nông nghiệp có rất nhiều mối lo khi tham gia các FTA mới nhưng điểm lo lắng lớn nhất là sản xuất manh mún. Việt Nam có 8,6 triệu hộ nông dân, 10 triệu hecta đất canh tác mà phải cạnh tranh với những nước có tài nguyên đất mênh mông. Khắc phục vấn đề này phải thực hiện bằng cách vận động hộ nông dân tham gia vào hợp tác xã hay liên kết cùng doanh nghiệp.

Điểm thứ 2 là biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, 3 năm gần đây phản ánh rõ nhất vấn đề này. Tác động của biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp là không thể lường được trong sản xuất.

Điểm thứ 3 là thời gian hội nhập, đổi mới của nền kinh tế còn ngắn nhưng phải cạnh tranh với những nước có bề dày kinh tế, có chiều sâu và đã hoàn thiện thể chế. Để cạnh tranh chúng ta phải đổ “mồ hôi” nhiều hơn. Nhà nước, doanh nghiệp và người dân cùng đồng lòng tập trung vào phát triển sản xuất, hướng tới chất lượng là chuỗi giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường và tăng thu nhập của nông dân.

HOÀNG HÀ