Nhà báo và trách nhiệm truyền thông xã hội

Cập nhật, 06:42, Thứ Bảy, 22/06/2019 (GMT+7)

Sáng nay, bạn đọc biết tin tức gì chưa? Nhiều người sẽ liệt kê đủ loại thông tin nóng hổi về rất nhiều lĩnh vực, liên quan đến đời sống thường ngày. Và khi chúng tôi đặt câu hỏi tiếp theo: Bạn biết tin tức bằng phương tiện gì? Rất nhiều người nói đọc từ mạng xã hội, YouTube, báo điện tử… thông qua điện thoại thông minh.

Một khảo sát bỏ túi của người viết phản ánh một phần thực tế bức tranh truyền thông hiện đại, cho thấy sự cạnh tranh thông tin khốc liệt. Thông qua các thiết bị công nghệ thông minh, tận dụng nền tảng mạng xã hội, bất kỳ ai “cũng có thể trở thành người làm báo”.

Rất nhiều thông tin ban đầu đã được tiếp nhận qua mạng xã hội, bởi tính nhanh lẹ cùng sức lan tỏa nhanh và rộng trong cộng đồng mạng so với các loại hình truyền thông truyền thống.

Một bạn trẻ ở Hậu Giang bằng việc thực hiện và đăng các video chủ đề về văn hóa, sinh hoạt của nông dân miền Tây, chỉ sau 1 năm đã tạo đăng vài trăm video, thu hút hàng trăm lượt theo dõi.

Chỉ với một điện thoại thông minh, chương trình dựng phim có sẵn, thuyết minh đơn giản… “sản phẩm” hoàn thành, đăng lên mạng xã hội. Người xem thích vì hình ảnh, con người, cảnh vật sinh động, rất thật.

Tuy nhiên, vì phản ánh kiểu như “có gì quay nấy” không được chắc lọc, biên tập, nên đôi khi còn những lời nói thô tục, hình ảnh chưa đẹp cũng xuất hiện trong video.

Ngoài YouTuber, truyền thông mạng xã hội hiện nay cũng hình thành đội ngũ blogger, các KOLs, influencers… hầu hết do những người trẻ tuổi, năng động tạo sức hút lớn trong môi trường Internet. Và nhận thức của họ trong việc xây dựng môi trường mạng xã hội lành mạnh, hay tiêu cực còn là điều rất đáng lưu tâm.

Ngày nay, người ta đang chuyển dần từ đọc báo giấy sang đọc ấn bản điện tử của báo giấy. Họ đọc theo vấn đề thời sự nổi lên và họ đọc theo giới thiệu của bạn bè, của mạng xã hội.

Tuy nhiên, nhiều nguồn thông tin trên mạng Internet thật giả lẫn lộn khó kiểm định, thì người làm báo phải luôn đặt tiêu chí sự thật lên hàng đầu. Như vậy trọng tâm của truyền thông không phải là tờ báo nữa, mà là nội dung và cách thức phát hành nội dung đó để đạt được sự lan tỏa tốt nhất.

Tính chính thống, xác thực của thông tin; khả năng tìm ra chân tướng sự thật sâu sắc, đầy đủ chính là “cây gậy” vững chắc của báo chí truyền thống. Và bản lĩnh của nhà báo trong thời đại kỷ nguyên số phải biết lựa chọn thông tin có kiểm chứng, từ nhiều phía.

Trước một sự thay đổi mạnh mẽ của báo chí, cách thức truyền tin và tiếp nhận thông tin của bạn đọc, thì thông tin cần phải “đúng- nhanh- trúng- hay”. Trong đó, chữ “đúng” phải được đưa lên tiêu chí hàng đầu.

Trách nhiệm truyền thông xã hội của nhà báo trong “đại dương” thông tin nhiều chiều hiện nay, phải giữ vững được giá trị cốt lõi của báo chí chính thống. Đó là sức mạnh của nền báo chí cách mạng.

TRẦN PHƯỚC