Tiếp tục xả rác, lấy gì để thở?

Cập nhật, 06:48, Thứ Sáu, 28/06/2019 (GMT+7)

Có lẽ một người bình thường- như ba má tôi (vốn là nông dân)- sẽ không nghĩ tới ngày mình sẽ không còn oxy để thở. Oxy bao la trong bầu trời, tha hồ hít lấy hít để. Oxy miễn phí kia mà!

Nếu bạn cũng nghĩ như thế thì hãy cùng tôi uống cà phê xoay quanh để tài này trong câu chuyện buổi sáng hôm nay nhé!

Bạn có biết rằng rác thải mà con người ném ra đại dương không chỉ ảnh hưởng đến sinh vật lớn mà còn gây hại cho vi khuẩn sản sinh oxy- loại khí giúp chúng ta hô hấp và tồn tại? Bạn có biết rằng loài vi khuẩn trong đại dương này sản xuất đến 10% lượng oxy mà chúng ta hít vào?

Các nhà nghiên cứu ở Úc đã kiểm tra tác động của nhựa đối với một loại vi khuẩn biển quang hợp có tên là Prochlorococcus và nhận ra rằng rác thải nhựa khiến gien không hoạt động theo cách thông thường để tạo ra protein cần thiết cho chúng tồn tại. Trong khi những vi khuẩn nhỏ bé này là mắt xích quan trọng đối với mạng lưới thức ăn biển, góp phần vào chu trình carbon và được cho là chịu trách nhiệm tới 10% tổng sản lượng oxy toàn cầu.

Đây thực sự là một mối đe dọa lớn. Ước tính mỗi năm có tới 12,7 triệu tấn rác nhựa thải vào đại dương, gây hại cho gần 200 loài sinh vật biển, bao gồm cả động vật có vú, chim, cá và động vật không xương sống. Con số này không ngừng tăng lên mỗi năm và đến năm 2050, rác nhựa sẽ nhiều hơn cá…

Sức khỏe con người cũng bị ảnh hưởng khi tiêu thụ hải sản bị nhiễm các hóa chất độc hại này. Một báo cáo của Tổ chức Động thực vật thế giới (FFI) từng cho thấy rõ tác động của ô nhiễm nhựa đối với con người. Theo đó, cứ mỗi 30 giây lại có một người ở các nước đang phát triển tử vong do hậu quả của ô nhiễm chất thải.

Vậy, rác thải ra biển sẽ có khả năng làm biến mất loài vi khuẩn nói trên. Thế nên, nếu muốn có khí oxy để thở, chúng ta hãy ngừng xả rác ra biển! 

HOÀNG HÀ