Lúa nhiều để làm gì?

Cập nhật, 06:56, Thứ Năm, 20/06/2019 (GMT+7)

“Vùng đồng bằng nên sản xuất ít gạo hơn để giảm tác động môi trường, đồng thời thúc đẩy sản xuất gạo chất lượng cao và gạo đặc chủng. Phần đất còn lại sẽ dành để trồng các loại nông sản có giá trị cao, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH)”.

Đó là ý kiến của đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, đưa ra tại phiên thảo luận chuyên đề “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp thích ứng với BĐKH vùng ĐBSCL” trong khuôn khổ diễn đàn ĐBSCL năm 2019 vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh.

Tại hội thảo, GS. Võ Tòng Xuân cũng cho rằng cần quyết liệt cơ cấu lại ngành nông nghiệp ở ĐBSCL theo hướng giảm diện tích trồng lúa kém hiệu quả, sang các loại cây trồng và sản phẩm nông nghiệp giá trị cao.

Hiện nay nguồn cung lúa gạo trên thị trường thế giới đã dồi dào, đang dẫn đến cạnh tranh giảm giá. Một số nước thu hẹp diện tích trồng lúa để chuyển sang cây trồng khác hiệu quả hơn, chỉ giữ lại diện tích trồng lúa đủ tiêu thụ trong nước, nếu thiếu thì nhập khẩu lúa gạo còn “kinh tế” hơn là cứ trồng lúa mà để cho nông dân lỗ, bên cạnh là việc áp dụng bù giá cho nông dân qua nhiều phương thức.

Việt Nam thì ngược lại, lâu nay ta cố phấn đấu để trở thành nhà xuất khẩu gạo số 1 thế giới, nên cố gắng tăng vụ 3 để tăng sản lượng lúa, đi kèm đó là phải đầu tư đê bao tránh lũ.

Điều này dẫn đến đất bị cạn kiệt do không còn tiếp nhận nguồn phù sa của lũ bồi đắp như trước đây; lại do phải đầu tư nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, khiến chi phí trồng lúa tăng cao; nông dân không còn thu nguồn lợi phụ hàng năm do mùa lũ mang lại.

Vậy thì sản xuất lúa dư thừa để làm gì? 

HOÀNG HÀ