"Để vàng rơi!"

Cập nhật, 07:46, Thứ Năm, 11/07/2019 (GMT+7)

Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 chỉ ra rằng Việt Nam đã bước vào thời kỳ mà các nhà nhân khẩu học và kinh tế gọi là thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”.

Trong thời kỳ này, ít nhất 2 người hoạt động kinh tế sẽ hỗ trợ cho 1 người không hoạt động kinh tế. Đây được cho là cơ hội duy nhất, “có một không hai” trong quá trình quá độ nhân khẩu học của một quốc gia và ở Việt Nam sẽ kéo dài khoảng 30 năm.

Tuy nhiên, các con số của Tổng cục Dân số và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy giai đoạn “dân số vàng” của Việt Nam ngắn hơn nhiều so với các nước khác, chỉ vào khoảng 17 năm (tới khoảng năm 2025) và dự kiến đạt đỉnh vào năm 2020, với dân số trong độ tuổi lao động chiếm 70% dân số. Việt Nam còn là một trong những nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Như vậy, Việt Nam có thời kỳ “dân số vàng” và già hóa dân số diễn ra gần như cùng một lúc.

Tuy nhiên, tính từ nhiều năm trước năm 2009 cho đến hiện tại, các điều kiện và môi trường chính sách tại Việt Nam không cho thấy việc tận dụng cơ hội “có một không hai” này trong lịch sử nhân khẩu học của đất nước với rất nhiều những hạn chế về thể chế, điều hành nền kinh tế- tài chính quốc gia; tình trạng tham nhũng; trong cải cách giáo dục, GD-ĐT nguồn nhân lực có kỹ năng, chất lượng cao…; các vấn đề về y tế và môi trường…

Chuyên gia dân số có nhận định: “Việt Nam trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, “cầm vàng để vàng rơi!”

HOÀNG HÀ