Ngọt ngào dòng sữa mẹ

Cập nhật, 20:39, Chủ Nhật, 07/08/2022 (GMT+7)

 

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tư nhân Triều An- Loan Trâm hướng dẫn mẹ cho con bú đúng cách sau khi sinh.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tư nhân Triều An- Loan Trâm hướng dẫn mẹ cho con bú đúng cách sau khi sinh.

Nuôi con bằng sữa mẹ là một biện pháp tự nhiên, đem lại vô vàn lợi ích trong bảo vệ sức khỏe cho bé lẫn mẹ. Đặc biệt, dòng sữa mẹ ngọt ngào chính là cách đơn giản và hiệu quả nhất để tăng sức đề kháng cho trẻ sơ sinh.

Sữa mẹ- “liều vắc xin” tự nhiên tăng đề kháng cho trẻ

Đối với chị Trương Ngọc Sự (41 tuổi, xã Phước Hậu- Long Hồ), hành trình làm mẹ của chị đong đầy nước mắt lẫn niềm vui khi nhìn thấy con gái thứ 3 ra đời trong đại dịch COVID-19 lớn lên từng ngày.

Khi thai sang tuần thứ 34, chị Sự đi Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám thai thì nhận tin sốc: mắc COVID-19. Khi tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân Trương Ngọc Sự, bác sĩ Trần Thị Hằng (Khoa Sản- Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: “Lần đầu thăm khám cho sản phụ, tôi cũng lo. Em bé non tháng, sản phụ bị tiền sản giật, huyết áp cao lên tới 220 với những triệu chứng nguy hiểm dễ rối loạn đông máu. Rồi sản phụ sốt vô cơn, suy hô hấp nặng lắm, phim phổi xấu. Trước tình hình đó, ê kíp y bác sĩ quyết định cần phải phẫu thuật, giúp bé chào đời sớm so với dự sinh 1,5 tháng để an toàn tính mạng cho hai mẹ con. Bé gái nặng 2,6kg, sinh ra bị thiếu oxy, được hồi sức tại phòng mổ. Sau phẫu thuật, sản phụ rơi vào suy hô hấp nặng phải điều trị tích cực 4 ngày tại Trung tâm Hồi sức tích cực mới tỉnh, qua cơn nguy kịch”.

Khi sức khỏe chị dần hồi phục và âm tính, chị ôm con cho con bú. Song, do trước đó bệnh nặng, chị không có sữa. “Bác sĩ nói sữa mẹ mới giúp cho những bé sinh non như con chị khỏe và chị kiên nhẫn da kề da, ôm con cho bú và kích sữa bằng máy hút. Nhờ vậy, con chị được bú sữa mẹ hoàn toàn sau đó”.

Cũng có con sinh non khi vừa tròn 33 tuần, chị Nguyễn Ngọc Nhi (TP Vĩnh Long) được các bác sĩ Bệnh viện Quốc tế Phương Châu động viên nuôi con bằng sữa mẹ. Chị Nhi kể lại, con gái sinh non, lại bị vàng da nên phải nằm lồng ấp theo dõi. Y tá giúp chị nặn những giọt sữa non đầu tiên nhưng không có. Rồi ngày thiếp theo vẫn “chưa thấy sữa về”. Bác sĩ trấn an khuyên: “Dạ dày con giờ chưa bằng quả nho, nên mẹ chỉ cần có chút sữa, thấm lên môi con là đủ rồi”.

Rồi chị Nhi tích cực kích sữa bằng máy hút, và may mắn sữa về và gửi vô phòng chăm sóc đặc biệt của khoa nhi để y tá cho con bú. Khi xuất viện về nhà, chị tuân thủ cho bú theo nhu cầu con, mẹ ăn uống đủ chất và tranh thủ ngủ, nghỉ ngơi hợp lý. Sau khi cho con bú trực tiếp, chị kiên nhẫn ngồi vắt hết sữa trong bầu vú trong khoảng thời gian 10-15 phút để nguồn sữa mới về. Có sữa dư, chị bỏ vô túi trữ sữa để đông trong tủ lạnh. Ngoài bú mẹ trực tiếp, chị rã đông sữa mẹ đúng cách cho con bú bình thêm.

“Nhờ đó, tôi duy trì sữa mẹ hoàn toàn cho con được 24 tháng tuổi. Cơ quan gần trường học, tôi hâm sữa để sẵn trong bình ủ cho con, tới cữ con ghiền sữa các cô cho con bú. Con gái chỉ nuôi cực tháng đầu thôi, nhờ sữa mẹ mà con tôi có đề kháng tốt, ít bệnh lặt vặt”- chị Nhi chia sẻ.

Hiểu được sự quý giá của sữa mẹ, nhiều “mẹ sữa” động viên nhau cố gắng nuôi con bằng sữa mẹ, thậm chí sẻ chia những giọt sữa yêu thương của con mình cho trẻ khác. Không ít những em bé mới sinh dị ứng sữa ngoài, sinh non, mồ côi, mẹ đẻ mổ, mẹ ít sữa… đã bú những giọt sữa từ những người mẹ xa lạ. Chị Nguyễn Anh Thi (xã Thanh Đức- Long Hồ) cho biết: “Cả 2 lần sinh bé Gạo và bé Nếp tôi đều dư rất nhiều sữa. Sữa mẹ tôi hút trữ đông đúng cách, đồng nghiệp thân quen có nhu cầu xin sữa, tôi gởi tặng. Và khi đưa con đi chích ngừa, tôi đem sữa trữ đông tặng Ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện Quốc tế Phương Châu để dành cho các bé sinh non, hay các mẹ thiếu sữa để cho các con bú”.

Để nuôi con bằng sữa mẹ thành công

Không chỉ cần cho bé bú mẹ sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh, việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài đến 24 tháng được WHO khuyến cáo là rất cần thiết. Theo thống kê, trẻ không được bú mẹ hoàn toàn chiếm tới 45% ca tử vong do nhiễm trùng sơ sinh, 18% tử vong do nhiễm trùng hô hấp cấp ở trẻ dưới 5 tuổi. Do đó, nuôi con bằng sữa mẹ góp phần quan trọng bảo vệ sức khỏe của trẻ trước các bệnh dịch trong những năm đầu đời.

Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thị Thúy Hồng- Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Quốc tế Phương Châu, một trong những ưu tiên hàng đầu là mẹ phải giữ tinh thần thoải mái và tự tin rằng: Sữa mẹ luôn đủ, sẵn sàng đáp ứng được nhu cầu của con thay vì cứ lo sợ và chuẩn bị sữa công thức như là một biện pháp thay thế.

“Trong thời gian này, dung tích dạ dày của bé chỉ bằng một viên bi vào ngày đầu, bằng quả bóng bàn ở ngày thứ 2 và to cỡ quả trứng gà vào ngày thứ 3. Do đó, cơ thể mẹ sẽ tự động tiết ra lượng sữa sao cho phù hợp (khoảng 5- 7ml/giờ). Khi bé bú càng nhiều thì sẽ kích thích sản sinh sữa mẹ nhiều hơn nữa. Nên mẹ đừng quá lo lắng khi ít sữa nhé, vì bản chất sữa non trong 72 giờ đầu sẽ không nhiều nhưng lại sánh đặc và giàu dưỡng chất “độc nhất” cho sức khỏe của con đó!”- bác sĩ Thúy Hồng chia sẻ.

Theo TS. bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Sở Y tế, khi con nằm trên ngực mẹ, được ôm con vào lòng thì những mệt mỏi, đau đớn khi sinh của mẹ cũng tan biến. Đây là thời điểm vàng giúp cho mối quan hệ mẹ và con thêm khắng khít, con không bị stress bởi thay đổi môi trường sống và giúp con bú dòng sữa non đầu tiên, sẽ duy trì được việc nuôi con bằng sữa mẹ lâu dài.

Trẻ được bú mẹ sớm nhất, tận dụng dòng sữa non, kích thích hệ miễn dịch, tiếp xúc với vi khuẩn có lợi, phòng ngừa hạ thân nhiệt và là cơ hội gắn kết mối thâm giao mẹ con.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG