Di tích Gò Tháp và những trang sử từ lòng đất

Cập nhật, 16:10, Chủ Nhật, 24/07/2022 (GMT+7)

 

Trước khi vào khu di tích Gò Tháp là lung sen bên cạnh những cánh rừng tràm ngập nước tự nhiên.
Trước khi vào khu di tích Gò Tháp là lung sen bên cạnh những cánh rừng tràm ngập nước tự nhiên.

Từ TP Cao Lãnh đi tầm 40 phút là vào đến Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp, thuộc huyện Tháp Mười, Đồng Tháp. Một điểm đến đa tầng văn hóa, trải dài thời gian lịch sử hơn 1.500 năm, từ thời văn hóa Óc Eo, cho đến những anh hùng lịch sử thời chống Pháp và cả chống Mỹ. Những gò cát nhô cao nằm giữa vùng trũng thấp lung bàu tạo nên những cánh đồng sen bát ngát, đan xen rừng tràm ngập ngọt hoang sơ.

Vương quốc Phù Nam là một quốc gia cổ nổi tiếng ở khu vực Châu Á, được hình thành khoảng thế kỷ thứ I- II trước Công nguyên và kéo dài cho đến khoảng thế kỷ VII sau Công nguyên. Trung tâm vương quốc này qua tư liệu khảo cổ học được nhiều nghiên cứu xác định tại khu vực Óc Eo- Ba Thê (An Giang); trong khi đó, khu di tích Gò Tháp được xem là trung tâm tín ngưỡng tôn giáo lớn và quan trọng của vương quốc Phù Nam, kéo dài đến thời kỳ “Hậu Óc Eo” với những di tích có độ tuổi khoảng thế kỷ VIII, vẫn còn ẩn chứa nhiều điều chưa được khám phá như những trang sử kỳ bí còn ngủ yên trong lòng đất.

Bạn thuyết minh giới thiệu ảnh lá vàng phát hiện dưới hố khai quật Đền thần Mặt trời.
Bạn thuyết minh giới thiệu ảnh lá vàng phát hiện dưới hố khai quật Đền thần Mặt trời.

Di tích Gò Tháp nằm trên gò cao so với khu vực ruộng xung quanh khoảng 3,8m, đây là độ cao an toàn so với độ ngập của mùa nước nổi trong tầm từ 2 đến hơn 3m một chút. Đây cũng là đặc điểm chung của toàn bộ công trình kiến trúc của nền văn hóa Óc Eo ở khu vực ĐBSCL, đều có độ cao an toàn về ngập nước và có điểm giao thoa của nguồn nước mặn- ngọt. Chứng tỏ họ rất quan trọng về nguồn nước ngọt, ngay giữa vùng lung bàu, vùng rừng ngập ngọt quanh năm, tại Gò Tháp, các nhà khảo cổ cũng đã phát hiện ao nước nhân tạo được xây bao bọc bởi lớp gạch dày vẫn còn khá nguyên vẹn dù trải qua thời gian hàng ngàn năm.

Kết quả nghiên cứu cho thấy khu di tích Gò Tháp gồm 3 di tích chính quan trọng: Gò Tháp Mười, Gò Bà Chúa Xứ, Gò Minh Sư.

Theo thống kê sơ bộ từ tổng hợp các nguồn nghiên cứu tại di tích Gò Tháp cho đến nay, các nhà nghiên cứu đã phát hiện tổng số 348 lá vàng. Những loại hình di vật liên quan đến nghệ thuật kim hoàn và trang sức Óc Eo phát hiện tại đây chủ yếu từ các di tích gắn liền với mộ táng, được khảo sát và khai quật vào các năm 1984, 1993, 1996; những hố thám sát khai quật cho thấy đây là một gò đất đắp có cấu tạo phức tạp với các chất liệu sét, cát, gạch. 9 ngôi mộ hỏa táng đã được khai quật ở đây. Những ngôi mộ này đều mang đặc điểm của loại hình mộ táng Óc Eo: không có (hoặc không còn) nấm mồ ở trên, có huyệt hình vuông, vách đất; ở trung tâm mộ có xây một khối trụ vuông bằng gạch, lòng mộ được nện bằng gạch vỡ với cát hoặc được xây dựng bằng nhiều lớp gạch nguyên tạo thành một khối vuông dày đặc. Vật tùy táng tìm thấy ở phần trụ gạch trung tâm (349 hiện vật, trong đó có 333 hiện vật vàng và 8 viên đá quý) chủ yếu gồm lá vàng mỏng khắc hình hoa lá, động vật, thần nhân quen thuộc thuộc tín ngưỡng Ấn giáo. Niên đại của các di tích di chỉ mộ táng được xác lập trong khoảng từ thế kỷ IV- VI sau Công nguyên.

Trong đợt khai quật Gò Minh Sư thuộc khu di tích Gò Tháp năm 2009, các nhà khảo cổ đã tìm thấy 9 lá vàng, trong đó một số có khắc hình bò thần Nandi. Đặc biệt, trong kiến trúc được coi là trung tâm của một đền thờ mà các nhà khảo cổ cho rằng là đền thờ thần Uma- vợ của thần Shiva, có tìm thấy 7 viên đất nung xếp dạng hình hoa tròn có tâm, dưới 7 viên đất nung này người xưa đã đặt 7 lá vàng chạm hình hoa sen.

Năm 2010, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh khai quật Đền thần Mặt trời Nam Tháp Linh (Surya) trong khu di tích Gò Tháp, còn phát hiện được dấu tích đá xếp hình tròn- một dấu hiệu của Đền thần Mặt trời, dưới tạo hình phễu, ở độ sâu 1,37m phát hiện 2 mảnh vàng, trong đó có một mảnh vòng tròn hình mặt trời có 8 tia và 1 mảnh có hình tia mặt trời. Từ đó, các nhà nghiên cứu thống nhất nhận định đây là một trong những trung tâm tôn giáo chính của văn hóa Óc Eo và là trung tâm tôn giáo- tín ngưỡng quan trọng của cư dân Phù Nam trong lịch sử. 

Một góc của ao nước nhân tạo có niên đại khoảng thế kỷ VIII (thời kỳ Hậu Óc Eo).
Một góc của ao nước nhân tạo có niên đại khoảng thế kỷ VIII (thời kỳ Hậu Óc Eo).

Nằm trong cụm di tích Gò Tháp, mọi người còn có dịp ghé thăm đền thờ các vị anh hùng chống Pháp, như Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều, mà dân gian miền Tây xưa tôn kính xưng tụng là Thiên hộ Dương và Đốc binh Kiều. Cách khu di tích vài cây số là những hộ dân trồng sen đã kết hợp làm những lán trại đón khách dừng chân nghỉ ngơi, ăn uống những món ăn đặc sản của vùng Tháp Mười.

Đây là một điểm còn nhiều điều bí ẩn như những trang sử giấu mình trong lòng đất và một hệ sinh thái còn giữ nét hoang sơ vô cùng hấp dẫn. Theo người thuyết minh tại khu di tích, trung bình khách tham quan hàng năm trên 600.000 lượt người, năm 2021 vừa qua (dù ảnh hưởng dịch COVID-19), cũng đã có trên 250.000 lượt khách tham quan.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- PHƯƠNG THÚY