Sự lựa chọn

Cập nhật, 23:07, Chủ Nhật, 22/05/2022 (GMT+7)

 

Đứa em sang nhà chơi, vẻ mặt chẳng tươi như mọi hôm. Em dựng xe xong, ngồi bệt luôn xuống thềm, liền buông câu hỏi: “Ở quê và ở thành theo chị sống ở đâu vui hơn và thoải mái hơn?”.

Trong cái thế dò xét và ậm à ậm ừ suy nghĩ câu trả lời vì câu hỏi đột ngột quá. Một lúc, nhẹ nhàng tôi đáp: “Tùy. Người thích sống ở quê vì họ vương vấn mùi thơm ngai ngái của cọng rơm trong nắng hè hay thích sống hòa mình với thiên nhiên, hay thích cách sống gần gũi, vì vậy nên có người bỏ công việc văn phòng, bỏ “cái ghế” mỗi tháng hàng chục triệu đồng để về quê khởi nghiệp… Người thì bán đất ruộng, đất vườn lên thành mở khách sạn, mở nhà hàng,… vì muốn trốn sương, tránh phèn, mặc đẹp... Theo quan niệm sống và cách sống nên họ có sự lựa chọn cho riêng mình”.

Đôi mắt không có điểm cuối, em quay sang tôi hỏi tiếp: “Cuộc sống sao mới gọi là đủ?”. Nghĩ thầm cái con nhỏ này hôm nay gặp chuyện gì mà hỏi mấy câu vừa gần vừa xa. Câu hỏi khó trả lời quá. Nhỏ em làm tôi nhớ tới hôm chiều cuối tuần chạy tới tiệm bánh mì mua vài ổ, tại tiệm bánh đã hơn mười người khách đứng xếp hàng chờ bánh ra lò để mua. Tôi dựng xe nhanh chân tiến đến xếp hàng chờ tới lượt. Khách hỏi chị gái trong tiệm (không biết phải chị chủ không?), bánh bán đắt như vầy sao không mua lò làm thêm. Khách chỉ nhận được từ chị một nụ cười.

Cái lò bánh được chụm bằng củi, khách mua phải đứng xếp hàng chờ đến lượt, có lúc khách cầm rổ chờ đợi tự chọn bánh mì theo kiểu “ai mua bao nhiêu ổ thì lấy, nhanh tay có bánh, chậm tay bánh hết”... và nhiều người không biết tên tiệm bánh mà họ thường gọi với “biệt quán” mà họ tự đặt là “bánh mì xúc”, “bánh mì củi”, “bánh mì xếp hàng”... Ai cũng tiếc và thắc mắc lý do vì sao bánh mì đắt thế mà họ không đầu tư thêm lò. Hay như nơi bán bún bì, nem nướng trên đường Nguyễn Huệ vậy. Khách ngồi ăn hết ghế, mấy xe ghé chờ mua mang về. Chị bán không ngơi tay. Vậy mà khoảng 6 giờ thì họ đã nghỉ bán. Khách ghé mua, anh chủ cười bảo hết bún rồi, mai ghé lại mua giùm. Có người nghĩ, đối với chủ tiệm, bán bao nhiêu đó đối với họ là đủ.  

Quay lại câu hỏi của nhỏ em, “mình trả lời sao đây?”. Chữ “đủ” mênh mông quá, vì biết bao nhiêu là đủ. Đối với người này thế là đủ, đối với người kia thì chưa? Như chuyện anh giám đốc xây dựng, làm giám đốc một công ty tư vấn thiết kế xây dựng ở thành phố, anh còn đầu tư thêm quán nhậu và xuống miệt vườn thuê thêm hơn chục công đất để trồng cam sành.

Rồi tôi không vội trả lời em mà tôi hỏi gần hỏi xa hỏi cho “ra chuyện”. Thì ra nhỏ muốn về quê sống, còn chồng nhỏ thì thích sống ở thành. Với quan niệm sống khác nên chồng nhỏ chê nhỏ không tiến bộ. Về quê ôm cục đất sao phát triển, sao làm giàu. Nhỏ thích cuộc sống quê vì nhỏ là người hoài niệm. Nhỏ thường kể cho tôi nghe về căn nhà ngoảnh mặt ra sông, tháng năm em cùng ba kéo lưới mùng bắt tép bạc, những đêm đốt rọi mù u đi xem ti vi trắng đen, mỗi lần chuyển kênh phải vặn cạch cạch. Nhỏ nhớ hay thật, nhớ cả chi tiết nhỏ trong quảng cáo thuốc trừ sâu với hình ảnh con sâu hốt hoảng bò, miệng thì kêu “chết tôi rồi, cứu tôi với”... Những câu chuyện không đầu không cuối... cứ được em kể trong cảm xúc man mác vùng quê thanh bình đã gắn bó. Thiên đường của tuổi thơ như làn khói lẩn quẩn trong tâm trí để gợi nhắc về kỷ niệm. 

Và trong thực tế không ít người đã trở về quê lập nghiệp và cũng không ít người đã thành công trên mảnh đất quê ấy.

Tôi chẳng thể trả lời câu hỏi “cuộc sống sao mới gọi là đủ?” của em. Người thích viên ngọc rực rỡ khoe sắc, người thà là giọt nước mát trong lu đầm… Cách sống của mỗi người, cách nghĩ không ai giống ai. Tôi chỉ biết đời còn bao điều hạnh phúc mang niềm vui đến từ xung quanh ta như buổi đi biển câu cá chẳng hạn, như hôm ngồi tựa lưng bên chiếc ghế đá, ngửa mặt lên trời ngắm trăng với đứa em, thả hồn theo những đám mây cứ bồng bềnh, lơ lửng trôi.

Nói đúng hơn, điều quan trọng nhất trong cuộc sống là biết tận hưởng cuộc sống và và giữ màu xanh cho tâm hồn mình. Và cuộc sống đôi lúc cần nhìn lâu, ngắm kỹ, thả lỏng thì mới có thể cảm nhận hết được cái đẹp và niềm vui sống.

Bài, ảnh: VIỆT THẮNG